Viêm màng não muộn ở trẻ sơ sinh đủ tháng
Nghiên cứu do đồng tác giả Huỳnh Ngọc Khôi Cát -Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng, Phạm Diệp Thùy Dương - Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
.jpg)
Ảnh minh họa.
Viêm màng não (VMN) sơ sinh (SS) là thể lâm sàng thường gặp nhất của nhiễm trùng SS muộn, nặng nề và tỷ lệ di chứng cao. Tuy tỷ lệ tử vong đã cải thiện trong những năm gần đây, bệnh vẫn gây ra nhiều di chứng nặng nề trên sự phát triển tâm thần vận động của trẻ.
Các báo cáo trên thế giới trong thập kỷ qua cho thấy tỉ lệ VMN SS là 0,16- 0,45/ 1.000 trẻ sinh sống ở các nước phát triển và có thể cao hơn ở các nước đang phát triển. Trong các báo cáo gần đây, tỷ lệ tử vong ở các nước phát triển đã giảm, dao động từ 3 - 13% nhưng đối với các nước đang phát triển vẫn có tỷ lệ cao từ 30- 40%. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 1982-1983, tỷ lệ này vào khoảng 34 - 47%. Về di chứng, nghiên cứu quốc gia ở Anh và xứ Wales năm 1985 – 1987 ghi nhận 10,8% trường hợp bị di chứng hay suy giảm thần kinh nghiêm trọng. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thường không điển hình, sự biến đổi dịch não tủy lại không rõ, tác nhân gây bệnh khó xác định, và việc phân lập tác nhân khó khăn. Tất cả điều này dẫn đến việc chẩn đoán và điều trị thường không kịp thời, kéo dài thời gian nằm viện của trẻ, tiên lượng xấu và gia tăng tỉ lệ tử vong và di chứng.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu khảo sát các đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng, tác nhân gây bệnh, điều trị và biến chứng của viêm màng não muộn ở trẻ sơ sinh đủ tháng.
Sử dụng phương pháp mô tả tiến cứu hàng loạt ca trên trẻ sơ sinh đủ tháng được chẩn đoán viêm màng não sau 72 giờ tuổi tại khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi Đồng 2, từ 1/10/2017 đến 30/4/2018.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 56 bệnh nhi được thu nhận vào nghiên cứu. Sốt gặp ở 100% các trường hợp, tiếp theo là triệu chứng tiêu hóa 50% và triệu chứng về thần kinh 17,9%. Có 42 trường hợp được cấy máu và 3 trường hợp dương tính (7,14%). Cấy dịch não tủy dương tính ở 2 trường hợp (3,57%), phân lập được 2 tác nhân Gram (-) là Elizabethkingia meningoseptica và E. coli. Tỷ lệ PCR dịch não tủy dương tính là 22,22%, trong đó 100% cho thấy tác nhân siêu vi, chủ yếu là Coxsackievirus và Herpes virus. Có 4 ca có biến chứng trong thời gian nằm viện (7,14%). Không ghi nhận trường hợp nào tử vong. Triệu chứng lâm sàng trong viêm màng não khởi phát muộn ở trẻ sơ sinh đủ tháng thường không đặc hiệu. Các triệu chứng thần kinh xuất hiện muộn gây chậm trễ chẩn đoán. Tác nhân siêu vi đang dần chiếm ưu thế và kỹ thuật PCR trong dịch não tủy trong tương lai góp phần định hướng tác nhân gây bệnh và chọn lựa điều trị thích hợp.
Tạp chí y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, Số 1 / 2019