SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị sốt xuất huyết dengue ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện Nhi Đồng 2

[23/12/2019 09:24]

Nghiên cứu do đồng tác giả Nguyễn Huy Luân và Phạm Hoàng Nguyên - Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là bệnh truyền nhiễm do vi-rút Dengue (gồm 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4) gây nên. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh lan truyền rộng rãi trên thế giới và có thể gây tử vong cho hàng chục triệu người mỗi năm, đặc biệt là ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới(8,14) . Dù hiếm, SXH Dengue vẫn có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai có thể nhiễm vi-rút Dengue gần ngày sinh và lây truyền cho thai nhi gây ra SXH Dengue ở trẻ sơ sinh(2,5,10,12) . Trên lâm sàng, do khó khăn trong việc phân biệt giữa SXH Dengue và nhiễm khuẩn huyết ở trẻ sơ sinh nên dẫn đến việc bỏ sót chẩn đoán và điều trị không thích hợp.

Gần đây, trên thế giới có nhiều báo cáo về các trường hợp trẻ sơ sinh SXH Dengue(6,10,13,15) . Cùng với sự gia tăng số ca bệnh trong dân số, vấn đề này trở thành mối quan tâm mới cho các chuyên gia y tế. Tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu về SXH Dengue ở trẻ sơ sinh(4,7,11) . Do đó, chúng tôi thực hiện đề tài này để tìm hiểu về đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị SXH Dengue ở trẻ sơ sinh với mong muốn có thể đưa ra cái nhìn tổng quát, góp phần giúp ích cho bác sĩ lâm sàng trong việc chẩn đoán và điều trị.

Sốt xuất huyết Dengue lưu hành rộng rãi ở các nước nhiệt đới và có thể gây bệnh ở mọi lứa tuổi. Sốt xuất huyết Dengue tuy hiếm nhưng vẫn có thể gặp ở trẻ sơ sinh. Việc chẩn đoán sớm và điều trị còn nhiều thách thức.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu khảo sát đặc điểm dịch tễ, lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh tại bệnh viện Nhi Đồng 2. Sử dụng phương pháp mô tả hàng loạt ca.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ tháng 01/2009 tới tháng 06/2018 có 81 trẻ sơ sinh sốt xuất huyết Dengue nhập bệnh viện Nhi Đồng 2. Có 69,1% bà mẹ được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue gần ngày sinh. Tất cả trẻ đều có sốt; trong đó, có 76,5% trẻ khởi phát sốt ≤ 7 ngày tuổi, thời gian sốt kéo dài trung bình 4 ngày; 59,1% trẻ có dấu xuất huyết da; 2,5% trẻ xuất huyết tiêu hóa; 35,8% trẻ có gan to; 1,2% trẻ co giật và không có trẻ nào sốc. Hct tăng ≥ 20% giá trị bình thường ở 64,2% trẻ; tiểu cầu < 100.000/mm3 ở 91,4% trẻ; tăng men gan AST ở 72,8% trẻ; tăng men gan ALT ở 16% trẻ. Xét nghiệm chẩn đoán ghi nhận 72,8% trẻ có ELISA Dengue IgM (+) và 59,3% trẻ có NS1Ag (+). Có 6,2% trẻ truyền dịch; 39,5% trẻ truyền tiểu cầu và 9,9% trẻ truyền huyết tương tươi đông lạnh. Thời gian nằm viện trung bình là 7 ngày. Không có trường hợp tử vong. Sốt xuất huyết Dengue ở trẻ sơ sinh tuy hiếm nhưng vẫn có thể gặp, đáng chú ý là qua phương thức lây truyền dọc mẹ - con (đặc biệt ở vùng lưu hành bệnh). Các triệu chứng thường không đặc hiệu, khó phân biệt với nhiễm khuẩn huyết sơ sinh nên vấn đề chẩn đoán sớm vẫn còn là thách thức. Tuy nhiên, hầu hết trẻ không xảy ra biến chứng nặng và đều hồi phục tốt. Nên nghi ngờ sốt xuất huyết Dengue và làm xét nghiệm chẩn đoán nếu trẻ sơ sinh sốt khởi phát trong vòng 7 ngày tuổi, có mẹ sốt xuất huyết Dengue gần ngày sinh, tổng trạng tốt và xét nghiệm tầm soát nhiễm khuẩn bình thường.

Tạp chí y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, Số 1 / 2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ