Các yếu tố liên quan đến chẩn đoán muộn các bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp ở trẻ em
Nghiên cứu do đồng tác giả Hà Mạnh Tuấn, Nguyễn Trí Hào - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
.jpg)
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định các yếu tố có liên quan đến chẩn đoán muộn tim bẩm sinh cần can thiệp ở trẻ em để đề xuất các biện pháp nhằm cải thiện tiên lượng của bệnh.
Sử dụng phương pháp nghiên cứu bệnh chứng không bắt cặp với tỷ lệ bệnh chứng là 1:1. Nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân bị tim bẩm sinh đến khám và điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1 từ 6/2017 – 6/2018. Các bệnh nhân đến khám tại phòng khám hay tại các khoa bệnh sau khi xác định đúng là tim bẩm sinh cần can thiệp, sẽ được phân làm hai nhóm bệnh và nhóm chứng. Các bà mẹ được của bệnh nhân thuộc 2 nhóm được phỏng vấn theo phiếu thu thập bao gồm các thông tin liên quan đến bệnh nhân, liên quan đến gia đình và người mẹ, và liên quan đến hệ thống y tế. Số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 20. Phân tích hồi quy đa biến được dùng để xác định các yếu tố liên quan đến chẩn đoán muộn tim bẩm sinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 156 ca bệnh và 156 ca chứng đủ tiêu chuẩn đưa vào nghiên cứu. Tỷ lệ nam: nữ trong nhóm bệnh và chứng là tương đương nhau (1:1,05), tuổi trung bình của hai nhóm bệnh và chứng là 3,4 tháng và 3,6 tháng. Các yếu tố có liên quan đến chẩn đoán muộn qua phân tích hồi quy đa biến là tim bẩm sinh không tím (aOR = 1,6, CI 95%: 1,02 – 2,51), thu nhập dưới mức thu nhập trung bình (aOR=2,27, CI 95%: 1,43 -3,59), cư trú ngoài thành phố Hồ Chí Minh (aOR= 7,17, CI 95%: 2,97 – 17,34), học vấn của người mẹ chưa tốt nghiệp trung học phổ thông (aOR= 2,57, CI 95%: 1,47 – 4,49), nghề nghiệp nội trợ (aOR= 2,02, CI 95%: 1,28 – 3,18), tuổi của mẹ < 35 tuổi (aOR= 3,1, CI 95%:1,7 – 5,67), khám thai tại trạm xá xã, bệnh viện quận (aOR= 5,03, CI 95%: 1,59 – 16,18), và nơi sanh là trạm xá xã, bệnh viện quận (aOR= 3,19, CI 95%: 1,16 – 8,76) (p< 0,05). Để giảm tỷ lệ phát hiện muộn tim bẩm sinh cần can thiệp tim mạch cần nhiều biện pháp phối hợp. Đó là nâng cao năng lực phát hiện tim bẩm sinh của các tuyến y tế thông qua huấn luyện, các trang bị thiết yếu, và phối hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong chăm sóc các trường hợp nghi ngờ tim bẩm sinh, đồng thời tăng cường các kênh truyền thông giáo dục sức khỏe cho phụ nữ mang thai phù hợp với các lứa tuổi, trình độ, nghề nghiệp, và có chính sách về việc nâng cao đời sống cho các gia đình ở các vùng xa có thể tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng.
Tạp chí y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, Số 1 / 2019