SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Biến chứng cấp tính ở bệnh nhi đái tháo đường type 1 tại bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 12/ 2017 đến tháng 05/ 2018

[23/12/2019 10:53]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lương Thị Mỹ Tín, Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Vũ Huy Trụ - Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

 

Ảnh minh họa.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong các bệnh thường gặp nhất trong các rối loạn nội tiết ở mọi lứa tuổi, là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong toàn cầu. Đến cuối năm 2017, khoảng 4 triệu người tử vong và chi phí khoảng 727 tỉ đô la Mỹ cho ĐTĐ và các biến chứng của nó trên toàn cầu. Trong đó, các biến chứng cấp tính nguy hiểm và có thể gặp ngay khi chẩn đoán bệnh, đặc biệt trên đối tượng trẻ em ĐTĐ type 1. Nghiên cứu “Biến chứng cấp và mạn tính ở bệnh nhi ĐTĐ1 tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 từ tháng 12/ 2017 đến tháng 05/ 2018” được tiến hành với một trong những mục tiêu hàng đầu là xác định tỉ lệ các đặc điểm dịch tễ và biến chứng cấp tính của bệnh.

Thiết kế nghiên cứu: mô tả loạt ca ĐTĐ1, tuổi hiện tại từ 5 tuổi trở lên và tuổi khởi bệnh lớn hơn 6 tháng tuổi. Tiêu chuẩn loại ra: Không làm đầy đủ xét nghiệm hoặc khám chuyên khoa để xác định biến chứng (ngoại trừ khám mắt và chụp hình màu đáy mắt). Cách tiến hành ở tất cả bệnh nhân thỏa tiêu chuẩn nhận mẫu được nghiên cứu viên khai thác bệnh sử, tiền căn về các biến chứng cấp tính, thăm khám lâm sàng và chỉ định cận lâm sàng liên quan. Số liệu được nhập bằng phần mềm Excel 2013 và xử lý bằng phần mềm R i386 3.5.0.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng 53 bệnh nhi, bệnh nhân nữ chiếm 64%, thời gian mắc bệnh chủ yếu dưới 5 năm chiếm 74%. Tuổi khởi bệnh từ 6 đến 10 tuổi chiếm 41%, từ 3 đến 6 tuổi chiếm 30%, từ 10 tuổi trở lên chiếm 23%, từ 1 đến 3 tuổi chiếm 4% và dưới 1 tuổi chiếm 2%. Biến chứng nhiễm toan ceton acid. Tỉ lệ bệnh nhi biến chứng TCA lúc khởi bệnh là 26%. Yếu tố thúc đẩy là nhiễm trùng chiếm 36%, không rõ nguyên nhân chiếm 64%. Tỉ lệ biến chứng TCA trong quá trình điều trị là 4%, đều là tái phát lần 2 và do bỏ trị. Tỉ lệ TCA ở nhóm tuổi khởi bệnh dưới 5 tuổi là 22%, từ 5 đến 14 tuổi là 78% và trên 14 tuổi là 0%. Tỉ lệ TCA là 57% ở nữ so với 43% ở nam. Biến chứng tăng áp lực thẩm thấu máu. Tỉ lệ tăng áp lực thẩm thấu máu là 0%. Biến chứng hạ đường huyết là 66%. Yếu tố thúc đẩy là tăng hoạt động (41%), không rõ nguyên nhân (42%), quên ăn (14%) và bệnh khác (3%). HĐH có triệu chứng chiếm 71%, không triệu chứng chiếm 20%, có triệu chứng nặng chiếm 9% (gồm co giật thoáng qua hoặc hôn mê). Tỉ số số chênh HĐH so với không HĐH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở xuống so với trẻ trên 9 tuổi bằng 5 (p = 0,02).

Tạp chí y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 1/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ