SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội chứng tim - thận cấp (type 1) và mối liên quan với các biến cố tim mạch chính ở những bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên

[06/01/2020 15:21]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Văn Đạt, Phạm Nhật Minh, Phạm Mạnh Hùng - Trường Đại học Y Hà Nội, và Đỗ Kim Bảng - Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Tổn thương thận cấp (AKI) là một trong những biến chứng rất thường gặp ở những bệnh nhân (BN) điều trị nội trú, những bằng chứng gần đây đưa ra mối liên quan mật thiết giữa rối loạn chức năng tim và thận và được đề cập bằng hội chứng tim – thận ở bệnh nhân suy tim và nhồi máu cơ tim cấp (NMCT). Tổn thương thận cấp có ý nghĩa tiên lượng cả ngắn hạn và dài hạn đối với kết quả điều trị và các biến cố tim mạch sau khi ra viện. Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả đặc điểm của hội chứng tim – thận cấp (HCTT) ở nhóm bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên và mối liên quan giữa HCTT với các biến cố tim mạch chính tính đến thời điểm 90 ngày sau khi ra viện từ tháng 8/2018 đến tháng 5/2019, tại Viện Tim mạch Việt Nam 247 bệnh nhân bị NMCT cấp có ST chênh lên được chia thành 2 nhóm có và không có HCTT cấp. Thu thập thông tin lâm sàng, cận lâm sàng và đánh giá mối liên quan với các biến cố tim mạch chính đến thời điểm 90 ngày sau ra viện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 247 bệnh nhân vào viện có 74 (29.9%) bệnh nhân xuất hiện HCTT và 66,7% HCTT xuất hiện trong vòng 48 giờ đầu. Độ tuổi trung bình 72.3 ±10.7 tuổi, tỉ lệ nam/nữ 2.2/1, và bệnh nhân có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch hơn (THA, ĐTĐ, RL Lipid máu, Hút thuốc lá...) và có hiểu hiện suy tim cấp lúc vào viện nặng hơn (sốc tim, HA, nhịp tim, điểm NYHA, Killip, TIMI...) so với nhóm không có HCTT. Nhóm HCTT có thời gian nằm viện dài hơn và tỉ lệ tử vong/xin về nhiều hơn nhóm còn lại có ý nghĩa thống kê. HCTT cấp xuất hiện trong thời gian nằm viện có liên quan với các biến cố tim mạch chính tính đến thời điểm 90 ngày sau khi ra viện. Hội chứng tim thận làm tăng 2.7 lần nguy cơ tái nhập viện vì nguyên nhân tim mạch (HR = 2.7, 95% CI 1.5 – 5.0, p = 0.001); tăng 4.2 lần nguy cơ tử vong do tất cả nguyên nhân (HR = 4.2, 95% CI 1.1 – 15.9, p = 0.035); tăng 4.8 lần nguy cơ tái nhồi máu cơ tim (HR = 4.8, 95% CI 1.7 – 13.4, p = 0.03). Tuy nhiên, không có sự khác nhau về tỉ lệ tai biến mạch não giữa 2 nhóm bệnh nhân này. Hội chứng tim - thận cấp có tác động xấu đến kết quả điều trị trong thời gian nằm viện và có ý nghĩa tiên lượng đối với sự xuất hiện các biến cố tim mạch chính sau khi ra viện.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 90/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ