Vai trò độc lập của thang điểm PESI giản lược trong tiên lượng tử vong 30 ngày ở bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Sơn Hải, Phạm Mạnh Hùng - Trường Đại học Y Hà Nội và Hoàng Bùi Hải - Trường Đại học Y Hà Nội thực hiện.
Tắc động mạch phổi (TĐMP) là một trong những cấp cứu tim mạch thường gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, TĐMP có tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Vì thế có rất nhiều các công trình nghiên cứu lớn trên thế giới đã và đang được tiến hành với mục đích chẩn đoán và điều trị sớm, nhằm giảm tỷ lệ tử vong của TĐMP. Chiến lược điều trị TĐMP dựa vào chủ yếu từ mô hình tiên lượng. Vì vậy, tiên lượng sớm nguy cơ tử vong của TĐMP dựa vào các thang điểm lâm sàng trở nên hữu ích và rất quan trọng trong hoàn cảnh cấp cứu, giúp đưa ra chiến lược xử trí kịp thời. Suy chức năng thất phải cấp tính là yếu tố quyết định các kết quả lâm sàng trong TĐMP. Theo đó, các dấu hiệu của suy thất phải cấp quan sát trên cắt lớp vi tính động mạch phổi đa dãy (MSCT), siêu âm tim, các dấu ấn sinh học (Troponin, NT-proBNP), tình trạng tụt huyết áp hay sốctrở thành yếu tố dự báo tử vong sớ mở những bệnh nhân TĐMP. Để lượng giá các yếu tố lâm sàng có liên quan đến tiên lượng, các nhà lâm sàng trên thế giới đã đưa ra nhiều thang điểm khác nhau. Thang điểm PESI được thiết kế năm 2005 bởi Aujesky và cộng sự gồm 11 yếu tố lâm sàng với các điểm dự đoán khác nhau, dẫn đến khó áp dụng cho bác sĩ lâm sàng trong trường hợp cấp cứu khi có quá nhiều thông số. Sự ra đời của thang điểm PESI giản lược (sPESI) năm 2010 trở nên tiện lợi và dễ áp dụng trên lâm sàng bằng việc tập trung vào 6 chỉ số thay vì 11 chỉ số như trước đây: tuổi >80, tiền sử ung thư, tình trạng suy tim hoặc bệnh phổi mạn tính, mạch ≥ 110 lần/phút, huyết áp tâm thu < 100mmHg và độ bão hòa oxy < 90%. Các nghiên cứu trên thế giới chứng minh sPESI có khả năng tiên lượng tử vong hoặc biến chứng trong giai đoạn đầu với độ chính xác như PESI kinh điển, trong khi đó sPESI dễ sử dụng hơn. Năm 2014, hướng dẫn của Hội Tim mạch Châu Âu đã chính thức sử dụng thang điểm sPESI vào tiên lượng bệnh nhân TĐMP. Theo đó, bệnh nhân từ 1 điểm trở lên được phân loại nguy cơ cao, trong khi nguy cơ thấp khi bệnh nhân 0 điểm với nguy cơ tử vong trong 30 ngày là 1%. Mô hình tiên lượng TĐMP, ngoài tình trạng sốc, tụt áp được đánh giá là nguy cơ tử vong cao thì sự kết hợp của sPESI với các dấu ấn sinh học và rối loạn chức năng thất phải sẽ quy định các mức nguy cơ tử vong khác nhau. Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu vai trò của thang điểm sPESI trong tiên lượng tử vong 30 ngày ở bệnh nhân TĐMP ở Việt Nam.
Thang điểm sPESI là yếu tố dự báo tử vong sớm cho bệnh nhân tắc động mạch phổi cấp (TĐMP) và được sử dụng thuận tiện và dễ dàng tại các đơn vị hồi sức. Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu vai trò độc lập của sPESI trong tiên lượng tử vong 30 ngày TĐMP tại Việt Nam. Nghiên cứu 162 bệnh nhân tại hai bệnh viện khác nhau được lựa chọn vào nghiên cứu. Thang điểm sPESI được tính tại ngay thời điểm nhập viện. Kết cục chính quan sát là tử vong trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm nhập viện. Đường cong ROC, độ nhạy, độ đặc hiệu của thang điểm được đánh giá.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 29 trong số 162 bệnh nhân đã tử vong trong vòng 30 ngày nhập viện. Điểm sPESI cao hơn ở nhóm tử vong so với nhóm sống (2,10 ± 0,19 với 1,02 ± 0,89, p=0.000), độ nhạy (93%) cũng như giá trị dự đoán âm tính (96%) cao trong tiên lượng tử vong sớm ở các bệnh nhân TĐMP. Trong mô hình hồi quy logistic đa biến, nguy cơ cao với sPESI ≥ 1 làm tăng nguy cơ tử vong gấp 6,28 lần. Thang điểm sPESI có vai trò độc lập trong dự đoán kết cục tử vong 30 ngày ở các bệnh nhân TĐMP.
Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 90/2019 (ctngoc)