SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chỉ số mạch tim - cổ chân (CAVI) ở bệnh nhân bệnh động mạch vành tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

[07/01/2020 17:03]

Nghiên cứu do đồng tác giả Nghiêm Thu Thảo - Trường Đại học Y Hà Nội, Phạm Thị Hồng Thi - Viện Tim mạch Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

 

Ảnh minh họa.

Trong các bệnh tim mạch ngày nay thì bệnh mạch vành do xơ vữa lại là một nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở các nước phát triển. Cụ thể, theo số liệu thống kê tại Hoa Kỳ năm 2001 thì số ngưởi mắc bệnh mạch vành là 13,2 triệu người. Hàng năm số người mắc thêm là 1,2 triệu người và có khoảng 500.000 người tử vong. Tại Châu Âu tỉ lệ tử vong do bệnh mạch vành cũng chiếm 40% số tử vong nói chung. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc bệnh mạch vành ngày càng gia tăng theo sự phát triển của xã hội. Theo thống kê của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam trong 10 năm, từ 1980 đến 1990 chỉ có khoảng 108 trường hợp nhồi máu cơ tim nhưng đến năm 1995 đã có tới 31 bệnh nhân vào viện vì nhồi máu cơ tim trong 10 tháng đầu năm. Bệnh mạch vành ngày nay đã được chẩn đoán chính xác dựa vào những thăm dò không xâm nhập như MSCT 64 -128 dãy, MSCT 256 dãy cũng như thăm dò xâm lấn là chụp động mạch vành qua da. Tuy nhiên, chi phí của những phương pháp thăm dò này còn cao và chỉ thực hiện được ở những trung tâm tim mạch lớn như ở các viện tuyến trung ương, viện tỉnh trong khi nhu cầu được chẩn đoán sớm và điều trị dự phòng của người dân càng ngày càng cao. Chỉ số CAVI được nghiên cứu những năm gần đây là một chỉ số tốt để đánh giá mức độ xơ vữa động mạch – là tác nhân chính gây nên bệnh động mạch vành. Nhưng hiện tại lại có rất ít nghiên cứu ở Việt Nam về vấn đề này

Nghiên cứu nhằm mục tiêu tìm hiểu mối liên quan giữa chỉ số mạch tim – cổ chân với một số yếu tố nguy cơ (YTNC) tim mạch và tổn thương động mạch vành (ĐMV). Nghiên cứu 62 bệnh nhân nghi ngờ bệnh mạch vành, chưa chụp mạch vành qua da lần nào vào Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Bệnh nhân được thu thập các chỉ số lâm sàng, cận lâm sàng và được đưa đi đo độ xơ vữa động mạch bằng máy Omron VP – 1000 Plus trước khi bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da. Đánh giá mối liên quan giữa chỉ số CAVI với một số YTNC tim mạch và mức độ tổn thương ĐMV.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số CAVI ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như THA, ĐTĐ, RL lipid máu tăng có ý nghĩa thống kê. Bệnh nhân có THA là 10 ± 1.6; BN có ĐTĐ là 10.5 ± 1.9, Bệnh nhân có RL lipid máu là 9.7 ± 1.6. Bệnh nhân THA có nguy cơ xơ vữa mạch cao hơn BN không THA (p < 0.05). Bệnh nhân càng có chỉ số CAVI cao thì số nhánh ĐMV tổn thương càng nhiều (p < 0.05). Có mối liên quan giữa mức độ tổn thương LCx, RCA với mức CAVI ≥ 9 của nhóm nghiên cứu ( p < 0.01).

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 90/2019 (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài