Ngành Khoa học và Công nghệ phải đi đầu tôn vinh khoa học, khơi dậy sáng tạo
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành khoa học và công nghệ năm 2020, sáng 03/01/2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: Ngành khoa học, công nghệ phải đi đầu tạo điều kiện, cơ hội cho những ý tưởng, sáng kiến mới, truyền đi thông điệp tôn vinh khoa học, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành khoa học, công nghệ cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để thực sự trở thành động lực phát triển. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2019 là năm thứ hai liên tục chúng ta hoàn thành tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tốc độ tăng trưởng trên 7%, các chỉ tiêu xếp hạng quốc tế được cải thiện theo chiều hướng tốt, nhất là những chỉ số liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Cụ thể, số nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học tăng 26% so với 2018. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%.
Những con số đó cho thấy sự đóng góp thực chất, đáng kể của khoa học, công nghệ vào thành tựu chung vào phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Đặc biệt là không khí tin tưởng, phấn khởi, ai cũng mong muốn đóng góp trí lực vào sự phát triển chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta cần tạo điều kiện cho những ý tưởng, sáng kiến mới để truyền đi thông điệp tôn vinh khoa học, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội. Ảnh: VGP/Đình Nam.
Nói về những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho ngành khoa học, công nghệ trong năm 2020, Phó Thủ tướng nhắc lại quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước trong mọi thời kỳ, đặc biệt hiện nay, là đặc biệt coi trọng khoa học, công nghệ. Chủ trương, đường lối xuyên suốt đó phải biến thành chính sách, công trình nghiên cứu, ứng dụng cụ thể với sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành chứ không riêng ngành khoa học, công nghệ, đặc biệt là những ngành hoạch định về chính sách kinh tế.
“Tiềm lực khoa học, công nghệ không chỉ nằm ở các cơ sở nghiên cứu, viện hàn lâm mà còn trong người dân, người lao động, cộng đồng. Nhân lực khoa học, công nghệ không chỉ là giáo sư, tiến sỹ mà có ở cả các trường nghề, công nhân, người lao động. Chúng ta cần có ý thức tập trung tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ đất nước, đổi mới hệ thống sáng tạo quốc gia”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nêu thực tế thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang xếp hạng rất thấp trên thế giới. Số lượng công trình khoa học công bố quốc tế trong giai đoạn 2015-2019 bằng 23% so với Malaysia, 45% so với Thái Lan.
Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu trên trung bình người dân hầu như không tăng từ năm 2013 đến nay, bằng 20% so với tỷ lệ trung bình của EU, 7,6% so với Hàn Quốc, 29,8% so với Malaysia, 58% so với Thái Lan. Chi ngân sách cho khoa học công nghệ ít và còn lãng phí.
Ngành khoa học, công nghệ phải biến những “con số tự ti” thành tự tin, quyết tâm trở thành động lực phát triển, Phó Thủ tướng mong muốn và nhấn mạnh 5 điểm quan trọng.
Thứ nhất, chúng ta phải đổi mới hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo đúng xu thế quốc tế, đặt DN làm trung tâm. “Lâu nay chúng ta chủ yếu kêu gọi và chỉ những DN có tiềm lực, nhận được lợi ích lâu dài mới đầu tư cho khoa học, công nghệ, còn những DN chưa tích luỹ nhiều thì không được khuyến khích bằng chính sách kinh tế trực tiếp để đầu tư ngay cho khoa học, công nghệ”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng phải có sự vào cuộc đồng bộ. Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, các bộ phụ trách về chính sách kinh tế xây dựng cơ chế, đem lại lợi ích thiết thực cho các DN khi đầu tư nhiều hơn cho khoa học, công nghệ, nhân lực chất lượng cao.
Đẩy mạnh hơn nữa tự chủ đại học khi số công trình nghiên cứu công bố quốc tế của các đại học tăng từ 54% (năm 2016) lên 85% (năm 2019); không phân biệt các viện nghiên cứu công lập và tư nhân trong thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ.
Đổi mới quản lý chi ngân sách, bảo đảm chặt chẽ nhưng tôn trọng, tin tưởng nhà khoa học, chấp nhận tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Thứ hai, Bộ Khoa học và Công nghệ phải chú ý hơn nữa đến lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn khi thời gian qua các công bố quốc tế chủ yếu là những nghiên cứu về kỹ thuật, công nghệ, khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng. “Khoa học quản lý, khoa học xã hội rất quan trọng. Một người lo bằng kho người làm”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Thứ ba, Phó Thủ tướng bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển của cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (start-up) đang thu hút rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn tăng gấp nhiều lần trong mấy năm qua, Thời gian tới, các bộ ngành cần tăng cường kết nối với các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ các DN start-up thâm nhập thị trường. “Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm của bè bạn quốc tế để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia khởi nghiệp sáng tạo”.
Thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ phải công khai, minh bạch hơn nữa mọi đề tài, công trình nghiên cứu, phản biện… từ đó tạo sự trung thực trong khoa học, tôn vinh những nhà nghiên cứu, chuyên gia chân chính; tiết kiệm trong nghiên cứu khoa học. “Minh bạch là thước đo tốt nhất để giới khoa học đánh giá lẫn nhau”.
Thứ năm, Bộ Khoa học và Công nghệ, giới nghiên cứu phải đi đầu, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội từ những đề tài nghiên cứu, sáng chế đến những sáng kiến trong quản lý xã hội để cuộc sống văn minh, sạch sẽ, vệ sinh hơn; tôn vinh các nhà khoa học, những cá nhân có nhiều sáng kiến.
“Một trong những điểm khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây là người phương Tây khi có ý tưởng mới thì cổ vũ để có điều kiện khẳng định, nếu không khẳng định được thì thay thế bằng cái khác. Người phương Đông khi có ý tưởng mới thì đặt nhiều câu hỏi, đến khi tìm được câu trả lời thì hết giờ, cơ hội đã qua đi. Chúng ta cần tạo điều kiện, cơ hội cho những ý tưởng, sáng kiến mới để truyền đi thông điệp tôn vinh khoa học, khơi dậy sáng tạo trong toàn xã hội”, Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức trao Huân chương Lao động các hạng cho nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và và Công nghệ Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc. Ảnh: VGP/Đình Nam.