SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nhận xét sự hồi phục cơ tim trong quá trình hỗ trợ tim phổi nhân tạo ở bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim

[16/01/2020 15:17]

Nghiên cứu do đồng tác giả Mai Văn Cường và Đặng Quốc Tuấn - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.

 Ảnh minh họa.

Sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lí nặng, có tỉ lệ tử vong cao ở các khoa hồi sức cấp cứu và tim mạch. Bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp có tình trạng suy giảm chức năng co bóp của cơ tim nặng nề, dẫn đến thiếu máu cung cấp cho mô gây hậu quả suy đa tạng. Các thuốc trợ tim cần được truyền tĩnh mạch liên tục để tăng sức co bóp cơ tim nhưng cũng đồng thời làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim. Các biện pháp cơ học trong sốc tim như hỗ trợ tim phổi nhân tạo cũng được áp dụng để cung cấp tưới máu mô thay thế chức năng tim bơm máu nuôi cơ thể và giúp cơ tim giảm nhu cầu oxy, qua đó đảo ngược quá trình suy đa tạng và giúp cơ tim phục hồi.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá hiệu quả của hỗ trợ tim phổi nhân tạo ở bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp.

Nghiên cứu 24 bệnh nhân (BN) nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc tim được hỗ trợ tim phổi nhân tạo ngoại vi, chỉ số tim duy trì với liều trợ tim điều chỉnh giảm dần nhưng vẫn đảm bảo huyết áp trung bình trên 65 mmHg.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tuổi: 61,3 ± 10,5 (năm); Nam/nữ: 19/5; Bệnh cảnh sốc nặng: phân suất tống máu thất trái thấp (28,5 ± 14,5%), chỉ số vận mạch cao (170,3 ± 143,3), lactat máu tăng (6,5 ± 3,5 mmol/l) và suy đa tạng (điểm SOFA: 9,6 ± 3,6). Khi hỗ trợ tim phổi nhân tạo: giờ thứ 1, 6 liều dobutamin giảm dần tương ứng là 10,2 ± 3,1; 5,0 ± 2,1; và đến giờ thứ 12, ngừng sử dụng dobutamin; trong thời gian giảm liều trợ tim, huyết áp trung bình trên 65 mmHg, lactat máu giảm dần về dưới 2 mmol/l sau 24 giờ; nồng độ troponin T và CK-MB giảm dần và nồng độ NT-ProBNP cũng giảm dần. Hỗ trợ tim phổi nhân tạo cho bệnh nhân sốc tim do nhồi máu cơ tim cấp giúp thay thế chức năng co bóp cơ tim, do đó có thể giảm dần và ngừng thuốc tăng co bóp cơ tim sau khi hỗ trợ.

Tạp chí Tim mạch học Việt Nam, số 83/2018 (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài