SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá thay đổi áp lực trong động mạch ở bệnh nhân khi kích thích thất theo chương trình

[30/01/2020 14:58]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phan Đình Phong, Trương Đình Phi, Phạm Trần Linh, Lê Võ Kiên, Viên Hoàng Long Trần Tuấn Việt, Nguyễn Duy Linh, Nguyễn Thị Lệ Thúy, Hoàng Như Quỳnh, Phạm Quốc Khánh - Viện Tim mạch Việt Nam thực hiện.

Ảnh minh họa.

Kích thích thất theo chương trình (PVS: Programmed ventricular Stimulation) về mặt bản chất gây ra những cơn nhanh thất thực nghiệm, là cơ sở cho nghiên cứu về nhịp nhanh thất. Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá sự thay đổi áp lực trong động mạch khi kích thích thất theo chương trình và tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến sự thay đổi áp lực trong động mạch khi kích thích thất theo chương trình.

Nghiên cứu được thực hiện tháng 10/2016 đến tháng 10/2017, tiến hành mô tả 41 bệnh nhân không có bệnh lý tim thực tổn và bệnh lý động mạch vành có ý nghĩa. Bệnh nhân sau khi được điều trị RF thành công các rối loạn nhịp, được PVS với tần số tăng dần mỗi 10 chu kì/phút đến 200 chu kì/ phút, mỗi tần số kích thích 20 - 25 giây cho đến khi đường cong huyết áp (HA) ổn định tại hai vị trí mỏm thất phải (RVA) và đường ra thất phải (RVOT), các chỉ số HA (tâm thu, tâm trương và trung bình) được đo qua catheter động mạch đùi kết nối với hệ thống máy tính phân tích huyết động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 41 bệnh nhân: 20 nam (48,8%) và 21 nữ (51,2%), tuổi trung bình: 49,61 ± 12.73, thấp nhất 26 tuổi, cao nhất 71 tuổi. Khi kích PVS thì HATB ở các thời điểm đều giảm so với HA ban đầu nhưng kích thích tim tần số từ 80 đến 120 chu kì/ phút thì HA tăng dần và đạt tối đa ở tần số 120 chu kì/ phút, sau đó tần số tim kích thích càng cao thì HA càng giảm dần. Mức độ sụt giảm huyết áp trung bình (HATB) tuyến tính với tần số tim kích thích tăng dần theo phương trình: MAP = - 0.3 x HR + 121.81 (mmHg) (MAP: HATB tại tần số tim kích thích HR). Sự biến thiên các thông số HA không có sự khác biệt giữa hai vị trí RVA và RVOT, giữa nam và nữ, độ tuổi, BMI (p > 0,05). Tuy nhiên, sự sụt giảm các thông số huyết áp có xu hướng nhiều hơn ở những bệnh nhân khi kích thích thất có dẫn truyền thất nhĩ 1:1 so với bệnh nhân có bloc dẫn truyền ngược thất nhĩ, nhưng chỉ có ý nghĩa thống kê khi tần số kích thích > 180 chu kì/ phút (p< 0,05). Ở nhóm bệnh nhân có huyết áp tâm thu ban đầu HATTBD > 140 mmHg có sự sụt giảm HATB nhiều hơn nhưng luôn cao hơn nhóm HATTBD < 140 mmHg ở mọi tần số kích thích (p < 0,05).

Tạp chí tim mạch Việt Nam, số 81/2018 (ntptuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài