SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam 2045: Tầm nhìn khát vọng và sứ mệnh lịch sử

[11/02/2020 20:20]

Khát vọng dân tộc mãnh liệt, bộ máy công quyền ưu tú, và năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng là những động lực cơ bản giúp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển trong ba thập kỷ tới để trở thành một quốc gia hùng cường vào năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập.

Thách đố phát triển

Xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng là một hành trình vẻ vang và thôi thúc, nhưng cũng vô cùng gian khó và thách thức. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng và cảm hứng mà cả tầm chiến lược và ý thức sứ mệnh.

Để hình thành một chiến lược mạnh mẽ và có hiệu lực cao, chúng ta không chỉ đưa ra tầm nhìn khát vọng và thôi thúc ý chí dân tộc mà còn phải thấu hiểu những thách thức cốt lõi mà đất nước phải vượt qua. Về thu nhập bình quân đầu người, chúng ta phải đạt mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở mức 6,1% hàng năm trong suốt 30 năm trong giai đoạn 2015- 2045, nghĩa là tăng trưởng GDP phải đạt mức 7,5% hàng năm. Về điện tiêu thụ bình quân đầu người phải đạt mức 6,6% hàng năm (mức này có khả năng đạt được). Về hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố lớn nhất là TP Hồ Chí Minh, chúng ta phải xây dựng được bình quân trên 20 km mỗi năm (điều này gần như không thể với cách làm hiện nay vì nước ta khởi công dự án này từ 10 năm trước nhưng hiện vẫn chưa có km nào đưa vào hoạt động). Về năng lực sáng tạo, ta phải đưa mức tỷ lệ hồ sơ nộp bản quyền sáng chế trên một triệu dân từ 62,9 năm 2015 lên 32,855 năm 2045, nghĩa là đạt mức tăng trưởng bình quân năm là 23,2% (điều này chỉ có thể đạt được nếu có được sức mạnh kỳ diệu của những nỗ lực đột phá trong thời gian tới).

Nâng cấp mạnh mẽ và đồng bộ bốn trụ cột của cải cách

Về chiến lược cải cách, Đảng và Chính phủ cần chú trọng nâng tầm chiến lược trong nhận thức trên cả ba trọng tâm lớn khi chúng ta chuyển từ Đổi mới 1 (1986-2015) sang Đổi mới 2 (2016-2045). Về tư duy, Đổi mới 1 chú trọng “thức dậy” để hiểu rõ quy luật và thoát khỏi đói nghèo, trong khi Đổi mới 2 đòi hỏi sự “trỗi dậy” để nắm bắt nhạy bén và triệt để các xu thế thời đại nhằm kiến tạo tương lai thịnh vượng. Về cơ chế, Đổi mới 1 thúc đẩy “cởi trói” và “phá rào” trong khi Đổi mới 2 đặt ra yêu cầu xây dựng nền tảng thể chế cho một xã hội hiện đại, phồn vinh. Về hành động, Đổi mới 1 khích lệ “hội nhập” và “thích ứng”, trong khi Đổi mới 2 xác lập quyết tâm đưa đất nước lên một vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Năm nguyên tắc lớn quyết định tầm vóc của cải cách

-Thứ nhất, đó là sự minh bạch.

-Thứ hai, luôn tìm mọi cách khai thác công nghệ thông minh để giải tất cả các bài toán gặp phải, đặc biệt là các bài toán khó.

-Thứ ba, mọi trở lực nếu tồn tại dai dẳng chắc chắn có người được lợi rất nhiều từ nó.

- Thứ tư, cần dựa vào dân và nguồn lực xã hội trong mọi nỗ lực cải cách, vượt qua khó khăn.

- Và nguyên tắc cuối cùng, cần tham khảo kinh nghiệm hay nhất của thế giới trong mọi lĩnh vực là cách đi ngắn nhất trong hành trình phát triển.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả PGS.TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore

Tạp chí khoa học và công nghệ Việt Nam,Số 1+2 (trang 15-17)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài