Một số nhận xét về điều trị phẫu thuật các bệnh tim bẩm sinh ở người lớn tại Viện Tim mạch Việt Nam từ 2011 đến 2015
Nghiên cứu do tác giả Dương Đức Hùng - Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai thực hiện.
Ảnh minh họa.
Bệnh lý tim mạch bẩm sinh ở người lớn là một bệnh lý chiếm một tỷ lệ khá lớn và có các nét đặc trưng riêng biệt, đòi hỏi những kiến thức chuyên sâu và chiến lược chẩn đoán cũng như xử trí đặc thù. Đặc biệt phẫu thuật điều trị cho các bệnh nhân này sẽ có nhiều khác biệt so với bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em. Mô hình bệnh lý tim mạch bẩm sinh ở Việt Nam có những nét khác biệt cơ bản với các nước phát triển trên thế giới. Ở các nước phát triển phần lớn các bệnh nhân tim bẩm sinh phức tạp được phát hiện và điều trị từ rất sớm. Các bệnh nhân tim bẩm sinh người lớn còn tồn tại phần lớn là các bệnh nhân đã được phẫu thuật sửa chữa nhưng còn để lại một số tổn thương tồn dư. Khác với các nước phát triển có khả năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân với chất lượng cao, ở Việt Nam, điều kiện phát hiện và điều trị sớm các bệnh tim bẩm sinh còn nhiều hạn chế. Vì vậy nhiều bệnh nhân tim bẩm sinh chỉ được phát hiện hoặc điều trị rất muộn ở tuổi người lớn hoặc trung niên. Viện Tim mạch Việt Nam là viện chuyên khoa tim mạch tuyến cuối khám và điều trị bệnh tim người lớn nên có một số lớn bệnh nhân tim bẩm sinh người lớn được điều trị tại đây.
Mục tiêu nghiên cứu của chúng tôi nhằm rút ra một số nhận xét về đặc điểm bệnh lý và kinh nghiệm phẫu thuật các bệnh tim bẩm sinh thường gặp trên người lớn ở Việt Nam. Chúng tôi sử dụng phương pháp hồi cứu, mô tả, phân tích số liệu trên 549 bệnh nhân tim bẩm sinh ở người trưởng thành đã được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật tại Viện Tim mạch BV Bạch Mai trong 5 năm từ 2011 đến 2015.
Nghiên cứu tất cả các bệnh nhân có chẩn đoán bệnh lý tim bẩm sinh đã được phẫu thuật tại đơn vị Phẫu thuật Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian từ 01/2011 đến 12/2015. Các bệnh nhân được lấy vào nghiên cứu theo trình tự thời gian, không phân biệt tuổi, giới, tình trạng bệnh lý lúc nhập viện. Sử dụng phương pháp nghiên cứu hồi cứu, phân tích mô tả: ghi nhận tất cả các thông số: đặc điểm tổn thương, tình trạng áp lực động mạch phổi, tiền sử theo dõi và phát hiện bệnh, các thông số liên quan đến phẫu thuật như kỹ thuật mổ, thời gian nằm hồi sức, tỷ lệ biến chứng, tỷ lệ tử vong. Quy trình chẩn đoán và phẫu thuật đều đã được thông qua bởi Hội đồng Khoa học chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai để đảm bảo tính đạo đức của nghiên cứu. Các số liệu được xử lý bằng phần mềm SPSS 16.0.
Phương pháp điều trị phẫu thuật cho các bệnh nhân tim bẩm sinh người lớn có kết quả tốt, tỷ lệ tử vong thấp, đem lại hiệu quả cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân là 32 ± 13 tuổi, nam giới chiếm 48%, nữ giới chiếm 52%. Các bệnh lý phổ biến hay gặp nhất là thông liên nhĩ (41,3%), thông liên thất (36,6%), tứ chứng Fallot (9,2%), còn lại là các bệnh lý hiếm gặp khác. Tỷ lệ tử vong chu phẫu là 1,6%.
Tạp chí Tim mạch Việt Nam, số 77, 12/2016 (ntptuong)