SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kết quả điều trị đái tháo đường thai kì bằng chế độ ăn tiết chế kết hợp vận động tại bệnh viện Hùng Vương

[28/02/2020 14:21]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Thị Bảo Yến - Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trần Thị Ngọc Tâm - Bệnh viện Hùng Vương thực hiện.

Ảnh minh họa.

Năm 2013, Hội nghị đái tháo đường (ĐTĐ) quốc tế (IDF) đã ước tính có khoảng 16,6 % trẻ sinh sống từ người mẹ có tăng đường huyết trong thai kỳ. Báo cáo này cũng ghi nhận có sự khác biệt rất lớn về tần suất bệnh, lên đến 25% ở Đông Nam Á tới 10,4% ở vùng Bắc Mỹ và Caribean. Trong đó, có tới 91,6% số thai phụ ĐTĐTK đến từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là vấn đề ngày càng được quan tâm, một loạt các nghiên cứu về dịch tễ được thực hiện trong những năm gần đây, ghi nhận tỷ lệ ĐTĐTK có xu hướng ngày càng gia tăng trong dân số. Tuy vậy, một điều đáng lưu ý rằng, tần suất bệnh bị ảnh hưởng bởi dân số nghiên cứu (được thực hiện tại Bệnh viện) hoặc sử dụng tiêu chuẩn chuẩn đoán 1 bước-75g (theo tổ chức IADSP) có thể khiến tỉ lệ bệnh cao hơn hẳn so với tầm soát đại trà hay sử dụng tiêu chuẩn 2 bước-100g (WHO). Như trong nghiên cứu của tác giả Jane Hirst, ghi nhận trên 2.702 thai phụ thực hiện tầm soát ĐTĐTK bằng xét nghiệm 75 gr đường, với tiêu chuẩn của ADA 2010, có 6,1% (164 thai phụ) được chần đoán dương tính, nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn thiết lập bởi tổ chức IADPSG, có đến 20,3% thai phụ phải điều trị ĐTĐTK.

Quản lý các trường hợp ĐTĐ thai kì là sự phối hợp đa chuyên khoa, nổi bật là vai trò của các bác sĩ sản khoa, dinh dưỡng, nội tiết và sơ sinh, với mục tiêu làm giảm các kết cục xấu thai kì và nguy cơ cho mẹ thông qua việc ổn định và duy trì mức đường huyết mục tiêu. Hướng dẫn về điều trị ĐTĐ thai kì của nhiều hiệp hội Sản khoa đồng thuận một can thiệp nền tảng cho các thai phụ ĐTĐTK là thay đổi lối sống và dinh dưỡng điều trị nội khoa (MNT) được định nghĩa là phân phối các bữa ăn một với mức carbohydrate (CHO) được kiểm soát cho phép cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng với mức tăng cân hợp lý, ốn định đường huyết và tránh nhiễm ketone. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã báo cáo tỷ lệ đường huyết được ổn định ngay sau tiết chế chế từ vài ngày đến vài tuần, dao động từ 45- 86% sau 1-2 tuần. Vài nghiên cứu dài hơi hơn theo dõi tiết chế sau 4 tuần, với tỷ lệ thành công lên tới hơn 90%.

Nguy cơ của vận động thể lực (VĐTL) trong thai kì là rất thấp, và được khuyến khích cho mọi phụ nữ mang thai. Với một thai kì bình thường, VĐTL thường xuyên giúp cải thiện, duy trì thể lực, kiểm soát tăng cân, cải thiện sức khỏe tâm thần. Trên một thai kỳ có ĐTĐ, vận động được khuyến cáo như một thành phần của điều trị can thiệp lối sống, là một điều trị thiết yếu song song với MNT (7,12). Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), tổ chức quốc tế nghiên cứu Đái tháo Đường và thai (IADSP) đồng thuận “những phụ nữ ĐTĐTK không có bệnh lý nội khoa hay chống chỉ định về sản khoa nên được khuyến khích khởi đầu hoặc tiếp tục một cường độ vận động trung bình như là một phần của điều trị”. Tại Hội nghị quốc tế về ĐTĐTK lần V đã đề nghị “Một chế độ vận động 30 phút mỗi ngày, vận động được khuyến khích như đi bộ nhanh, bài tập cánh tay khi ngồi trên ghế kéo dài ít nhất 10 phút sau mỗi bữa ăn giúp hoàn thành mục tiêu đường huyết”.

Nghiên cứu với mục tiêu xác định tỷ lệ thai phụ có đường huyết ổn định (đường huyết đói ≤ 95 mg/dl và 2 giờ sau ăn ≤ 120 mg/dl) sau 3, 5 và 7 ngày điều trị bằng tiết chế dinh dưỡng kết hợp vận động thể lực có định lượng. Đánh giá độ giảm ĐH trước và sau điều trị tiết chế dinh dưỡng kết hợp vận động thể lực có định lượng. Xác định mối liên quan giữa tổng cường độ hoạt động thể lực, các mức hoạt động thể lực đạt khuyến cáo, các yếu tố liên quan với ổn định ĐH ở phụ nữ mang thai có đái tháo đường điều trị tại khoa Sản bệnh Hùng Vương.

Nghiên cứu giả thực nghiệm trên 121 thai phụ đái tháo đường thai kỳ điều trị bằng chế độ ăn tiết chế tại khoa Sản bệnh, bệnh viện Hùng Vương, TP.Hồ Chí Minh từ 12/2017 đến 04/2018, đủ tiêu chuẩn chọn mẫu và đồng ý tham gia nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thai phụ ĐTĐTK có đường huyết ổn định sau 3,5,7 ngày điều trị tiết chế dinh dưỡng kết hợp với vận động thể lực bằng cách đi bộ 30 phút mỗi ngày lần lượt là 71,2% KTC 95% [63,2-79,1] , 84,8% KTC 95% [78,5-91,0], 87,2% KTC 95% [81,3-90,0], P<0,05. Các yếu tố khác chưa ghi nhận có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Và tổng cường độ hoạt động thể lực của các đối tượng tham gia nghiên cứu: 112,27 Met-giờ/tuần. Vận động 30 phút mỗi ngày kết hợp tuân thủ chế độ ăn tiết chế bước đầu cho thấy giúp ổn định đường huyết trên thai phụ đái tháo đường thai kỳ.

ntptuong
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài