SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Mối liên quan giữa nồng độ đường huyết đói trong nghiệm pháp 75 gram glucose và nhu cầu điều trị insulin ở thai phụ đái tháo đường thai kỳ tại bệnh viện Hùng Vương

[28/02/2020 15:00]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Sỹ Quảng - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Ngô Thanh Hà - Bệnh viện Hùng Vương, Huỳnh Nguyễn Khánh Trang - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện.

Ảnh minh họa.

Năm 2013, Hội nghị (đái tháo đường) ĐTĐ quốc tế (IDF) đã ước tính có khoảng 16,6% trẻ sinh sống từ người mẹ có tăng đường huyết trong thai kỳ. Báo cáo này cũng ghi nhận có sự khác biệt rất lớn về tần suất bệnh, lên đến 25% ở Đông Nam Á tới 10,4% ở vùng Bắc Mỹ và Caribean. Trong đó, có tới 91,6% số thai phụ ĐTĐTK đến từ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Tại Việt Nam, đái tháo đường thai kì (ĐTĐTK) là vấn đề ngày càng được quan tâm, một loạt các nghiên cứu về dịch tễ được thực hiện trong những năm gần đây, ghi nhận tỷ lệ ĐTĐTK có xu hướng ngày càng gia tăng trong dân số. Tuy vậy, một điều đáng lưu ý rằng, tần suất bệnh bị ảnh hưởng bởi dân số nghiên cứu (được thực hiện tại Bệnh viện) hoặc sử dụng tiêu chuẩn chuẩn đoán 1 bước-75g (theo tổ chức IADSP) có thể khiến tỉ lệ bệnh cao hơn hẳn so với tầm soát đại trà hay sử dụng tiêu chuẩn 2 bước-100g (WHO). Như trong nghiên cứu của tác giả Jane Hirst, ghi nhận trên 2702 thai phụ thực hiện tầm soát ĐTĐTK bằng xét nghiệm 75 gr đường, với tiêu chuẩn của ADA 2010, có 6,1% (164 thai phụ) được chần đoán dương tính, nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn thiết lập bởi tổ chức IADPSG, có đến 20,3% thai phụ phải điều trị ĐTĐTK. Bệnh nhân đái tháo đường thai kì có đặc trưng là bất thường tiết insulin và bất thường đề kháng insulin. Dựa trên cơ sở sinh lý của insulin trong cơ thể, đường huyết đói thể hiện khả năng tiết insulin nền của bệnh nhân, trong khi đó đường huyết sau ăn thể hiện đáp ứng của tuyến tụy với glucose và mức độ đáp ứng của cơ thể với insulin. Cũng chính vì lý do đó, trước đây người ta dùng đường huyết đói để tầm soát và cả cho mục đích chẩn đoán đái tháo đường thai kì. Tuy nhiên sau đó, nhiều nghiên cứu chứng minh chỉ một mình đường huyết đói bất thường sẽ không đủ để chẩn đoán đái tháo đường thai kì. Mặc dù vậy, đường huyết đói vẫn có giá trị trong việc tiên lượng điều trị cũng như kết cục của trẻ sơ sinh ở bà mẹ đái tháo đường.

Nghiên cứu nhằm xác định mối liên quan giữa đường huyết đói trong nghiệm pháp 75 gram glucose lớn hơn 102,42 mg/dl và nhu cầu điều trị insulin ở thai phụ đái tháo đường thai kì. Tìm liên quan một số yếu tố nguy cơ với nhu cầu điều trị insulin ở thai phụ đái tháo đường thai kì.

Nghiên cứu thai phụ được chẩn đoán đái tháo đường thai kì bằng nghiệm pháp 75 gram glucose nhập khoa sản bệnh-Bệnh viện Hùng Vương từ tháng 11/2017 đến tháng 05/2018, thỏa tiêu chuẩn chọn mẫu và đồng ý tham gia nghiên cứu. Tiêu chuẩn nhóm dùng insulin: bệnh nhân được làm nghiệm pháp dung nạp đường dương tính, được quản lí đái tháo đường tại đơn vị quản lý đái tháo đường của bệnh viện Hùng Vương và được chỉ định insulin tại đây. Tiêu chuẩn nhóm không dùng insulin: bệnh nhân được làm nghiệm pháp dung nạp đường tại dương tính, được quản lí đái tháo đường tại đơn vị đái tháo đường bệnh viện Hùng Vương, đường huyết ổn định với chế độ ăn tiết chế kết hợp với vận động. Tiêu chuẩn loại trừ các bệnh nhân được sử dụng insulin mà không phải từ đơn vị quản lý đái tháo đường. Thai phụ đã được chẩn đoán đái tháo đường trước khi mang thai, các thai phụ có kết quả xét nghiệm trước 24 tuần mà chỉ số đường huyết vượt ngưỡng đái tháo đường. Không có kết quả xét nghiệm dung nạp 75 gram glucose. Không đồng ý tham gia nghiên cứu. Với mỗi bệnh nhân được chọn làm nhóm bệnh, có nghĩa là đã thất bại với tiết chế ăn uống vào ngày thứ 7 và thỏa những tiêu chuẩn chọn mẫu, sẽ chọn ra những ca có đái tháo đường thai kì và đường huyết ổn định trong thời gian đó làm nhóm chứng. Nhóm chứng được chọn cũng đồng thời thỏa mãn tiêu chuẩn có tuổi thai lúc lấy mẫu không chênh lệch quá 1 tuần so với tuổi thai của những ca thuộc nhóm bệnh. Chỉ lấy mẫu ở thời điểm 7 ngày sau điều trị, những bệnh nhân thuộc nhóm chứng nếu sau khoảng thời gian đó phát sinh nhu cầu sử số liệu bằng phần mềm epidata 3.1. Xử lí số liệu bằng phần mềm stata 10.0.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua thực hiện nghiên cứu, chúng tôi rút ra được: Đường huyết đói khi làm nghiệm pháp 75 gram glucose cao hơn 102,42 mg/dl có độ nhạy 75% và độ chuyên 95,14%, giá trị tiên đoán dương là 63,16%, giá trị tiên đoán âm là 97,16% cho nguy cơ phải điều trị bổ sung với insulin để đạt đường huyết mục tiêu. Đường huyết đói, 1 giờ sau ăn và 2 giờ sau ăn trong nghiệm pháp 75 gram glucose cao hơn có ý nghĩa thống kê ở nhóm thai phụ điều trị đái tháo đường thai kì với insulin so với nhóm thai phụ điều trị bằng chế độ ăn tiết chế đơn thuần.

dtphong
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài