SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập, định danh chủng vi khuẩn chịu mặn, có hoạt tính phân giải lân vô cơ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

[03/03/2020 10:42]

Khô hạn, xâm nhập mặn tại nhiều tỉnh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Bến Tre đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của nhiều loại cây ăn quả như bưởi, sầu riêng.

Bên cạnh đó, việc lạm dụng quá nhiều phân bón vô cơ diễn ra liên tục trong nhiều năm đã góp phần làm cho đất bị nhiễm mặn. Đất bị nhiễm mặn có hàm lượng muối tan cao, dẫn đến áp suất thẩm thấu của dung dịch đất tăng cao, natri trao đổi ở mức độ cao, dẫn đến tính chất vật lý của đất rất xấu, hàm lượng dễ tiêu của một số chất dinh dưỡng cần thiết rất thấp. Vi sinh vật phân giải lân là các vi sinh vật có khả năng chuyển hoá lân khó tan thành dạng dễ tiêu cho cây trồng sử dụng Ngoài ra, vi sinh vật phân giải lân cũng đóng vai trò kích thích sinh trưởng thực vật như tổng hợp indole acetic acid (IAA), gibberellic axit (GA), cytokinin, ethylene, hydro cyanide (HCN), cố định nitơ và đối kháng nấm gây bệnh cây có nguồn gốc từ đất. Trong tự nhiên, lượng lân khó tan thông thường chiếm 95-99% lân tổng số. Các axít hữu cơ được vi sinh vật tiết ra trên môi trường là tác nhân chủ yếu phân giải lân khó tan, khoáng hóa các hợp chất lân hữu cơ tạo nguồn lân dễ tiêu cung cấp cho đất và cây trồng, giúp cho quá trình photphorin hóa, tổng hợp protein, lipit, phytohocmon diễn ra liên tục trong cây, giúp cây có thể trao đổi nước, chất khoáng trong điều kiện đất bị nhiễm mặn. Một nghiên cứu của Nguyễn Đức Thành và ctv. Được đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phân lập, xác định được các chủng vi khuẩn chịu NaCl, có hoạt tính sinh học phân giải lân vô cơ nhằm sản xuất được chế phẩm vi sinh vật, giúp phục hồi cây bưởi Da xanh sinh trưởng phát triển trong điều kiện đất đã bị nhiễm mặn tại tỉnh Bến Tre nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Các tác giả đã phân lập, tuyển chọn và định danh vi khuẩn có hoạt tính phân giải lân vô cơ trên môi trường PVK có bổ sung muối NaCl ≥1% từ các mẫu đất trồng cây bưởi bị nhiễm mặn ở tỉnh Bến Tre. Kết quả đã xác định được mẫu T2917 và T3602 có hoạt tính phân giải lân vô cơ cao nhất trên môi trường PVK. Khuẩn lạc mẫu T2917 có hình tròn, lồi, sinh tiết sắc tố màu vàng nhạt, tế bào dạng hình que ngắn, có khả năng di động, nhuộm gram âm, chịu NaCl 5%. Mẫu phân lập T3602 không sinh tiết sắc tố, màu trắng đục, tế bào có dạng hình cầu, hình ovan, có khả năng di động, nhuộm gram âm và có khả năng chịu NaCl 3%. Phản ứng PCR đã nhân được đoạn gen 16S ARN ribosomecủa vi khuẩn có kích thước khoảng 1.500 bp. Phân tích phả hệ gen 16S ARN ribosome đã định danh được mẫu T2917 gần nhất với loài Pseudomonas oryzihabitans, chi Pseudomonas và mẫu T3602 gần nhất với loài Burkholderia sp., chi Burkholderia.

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Số 2 năm 2020
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ