SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Sinh viên chế tạo túi nhựa, túi thời trang dễ phân hủy từ rong tảo

[11/03/2020 09:47]

Tảo là nguyên liệu cực kỳ rẻ, các sản phẩm từ tảo có lợi thế cạnh tranh vì thân thiện với môi trường, không gây ô nhiễm và có thể phân hủy hoàn toàn.

Đăng Phúc đang thuyết trình về dự án của nhóm.

Ô nhiễm môi trường là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội trong những năm qua. Hàng loạt các dự án, sản phẩm, phát minh được chế tạo ra nhằm khắc phục phần nào những tác động xấu của con người đối với môi trường. Dự án chế tạo vật liệu nhựa sinh học từ tảo của nhóm Aplastic (nhóm sinh viên đến từ trường ĐH Thủy Lợi, ĐH KHXH&NV, ĐH Ngoại Thương) cũng nhắm tới mục tiêu ấy.

Thông qua dự án, Aplastic với khẩu hiệu A for plastic, mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những vật liệu, sản phẩm nhựa chất lượng nhưng vẫn đảm bảo thân thiện với môi trường. Đồng thời, lan tỏa phong trào sống xanh ra cộng đồng nhiều hơn nữa và giảm thiểu tác động tiêu cực của nhựa truyền thống.

Công đoạn chiết xuất và chế tạo vật liệu bao gồm một số bước cơ bản. Trước tiên sấy nghiền và tách thành tế bào tảo. Sau đó tăng cường các đặc tính cơ lý, kháng nước của vật liệu bằng những chất chiết xuất từ thiên nhiên, đảm bảo sản phẩm đầu ra an toàn với sức khỏe và thân thiện với môi trường.

Lúc đầu, màng nhựa sinh học này có liên kết yếu, chỉ chừng 10 giây đã tan trong nước, dễ dàng phân hủy nhưng khó bảo quản, dễ rách. Sau thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, đến vòng ba nhóm đã thành công với màng nhựa sinh học có khả năng cơ yếu tốt, khả năng thấm nước tốt hơn và thậm chí có thể thay thế sản phẩm nhựa trong y tế.

Về ý tưởng của dự án, bạn Nguyễn Đăng Phúc (ĐH Thủy Lợi) cho biết: “Thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang diễn ra trên quy mô toàn cầu, trong khi đó nhựa sinh học đang là giải pháp thay thế tiềm năng. Theo nghiên cứu, nhựa sinh học sẽ chiếm 5% thị phần nhựa vào năm 2020 và tăng lên đến 40% vào năm 2030.

Dự án nghiên cứu chế tạo vật liệu nhựa sinh học từ tảo đã giành giải Ba cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019”.

Bên cạnh đó, tảo là một nguồn nguyên liệu cực kì bền vững, tốc độ phát triển sinh khối rất nhanh, rất dồi dào tại Việt Nam. Và đây chính là nguyên nhân thôi thúc nhóm dự án nghiên cứu về nguyên liệu này cũng như áp dụng chúng vào các loại tảo khác nhau tại Việt Nam”.

Theo Đăng Phúc, ý tưởng này đã có những đề tài nghiên cứu tương tự trên thế giới, tuy nhiên hầu hết đều là nghiên cứu cơ bản và không chia sẻ công khai, vì vậy quá trình thực nghiệm đều do các bạn trong nhóm tự mày mò. Đồng thời mỗi loại tảo sẽ có một thành phần khác nhau, với lợi thế thiên nhiên đa dạng, nhóm tin rằng Việt Nam có rất nhiều không gian để phát triển nghiên cứu thêm về vật liệu tiềm năng này. Thực tế, các sản phẩm của dự án đều được chiết xuất từ nguồn nguyên liệu rong, tảo trong nước. 

Trong quá trình nghiên cứu, nhóm gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề trang thiết bị cũng như tiếp cận dây chuyền sản xuất nhựa truyền thống. Hiện tại toàn bộ quy trình sản xuất của nhóm đều diễn ra tại phòng thí nghiệm.

“Có một kỷ niệm khá vui đó là trong quá trình thử nghiệm tính phân hủy của vật liệu, một chú chuột đã đào các mẫu lên và ăn hết ngon lành làm chúng mình phải mất rất nhiều thời gian để kiểm định lại”, Đăng Phúc vui vẻ kể lại.

Nhóm gồm 5 sinh viên đến từ 3 trường đại học khác nhau. Trong đó mỗi người đảm nhận một vai trò riêng. Nguyễn Đăng Phúc (sinh viên khóa K57 Kỹ thuật Môi trường, ĐH Thủy Lợi) là người phụ trách điều phối dự án. Ninh Thị Thu (sinh viên khóa K58 Kỹ thuật Môi trường, ĐH Thủy Lợi) phụ trách chiết xuất và điều chế vật liệu.

Bạn Nguyễn Chí Cường (sinh viên khóa K58 Kỹ thuật Môi trường, ĐH Thủy Lợi) phụ trách nghiên cứu, cải tiến vật liệu. Đặng Thị Khánh Ly (sinh viên khóa K61 Quốc tế học, ĐH KHXH&NV) phụ trách lên kế hoạch sản xuất và kinh doanh. Cùng sinh viên đến từ khoa Quản trị kinh doanh quốc tế, ĐH Ngoại Thương, bạn Lê Ngọc Mai phụ trách lên kế hoạch quảng bá sản phẩm.

Các thành viên nhóm nghiên cứu và cô giáo Ths. Phạm Thị Hồng hướng dẫn đề tài.

Giáo viên hướng dẫn đồng hành cùng nhóm trong dự án này là Ths. Phạm Thị Hồng - Giảng viên khoa Hóa & Môi trường, ĐH Thủy Lợi. Trong quá trình thực hiện dự án, cô đã rất nhiệt tình giúp đỡ về mặt kiến thức cũng như kinh nghiệm để nhóm có thể tạo ra được những vật liệu nhựa sinh học tốt nhất. Cô là người đã giới thiệu cơ hội tham dự cuộc thi “Sáng tạo trẻ Bách khoa 2019” cho cả nhóm.

Dự án của nhóm được đánh giá cao tại cuộc thi bởi tính ứng dụng cao và thiết thực với vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay và đoạt giải Ba chung cuộc.

Hiện tại nhóm Aplastic vẫn tiếp tục chăm chỉ và bền bỉ nghiên cứu, phát triển sản phẩm để có thể đưa ra được những vật liệu có đặc tính tốt nhất nhưng vẫn đảm bảo khả năng phân hủy trong môi trường. Nhóm cho ra đời một sản phẩm độc đáo khác là chiếc túi hợp thời trang cho phái nữ, khả năng chống nước khá tốt và có đặc tính giống da thuộc. Từ chất liệu này, nhóm định hướng có thể làm ra các sản phẩm trang trí khác. Nhóm hy vọng có thể đưa ra những sản phẩm tốt trong thời gian ngắn nhất.

Mi Trần

www.khampha.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài