Exosome tiết từ tế bào gốc có thể điều trị đột quỵ
Chấn thương do đột quỵ cấp thường xảy ra nhanh chóng và có thể gây ra các tổn thương không thể phục hồi cho bệnh nhân gần như ngay lập tức.
Exosome thúc đẩy phục hồi đáng kể trong đột quỵ.
Trong vòng chưa đầy 60 giây, một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ giết chết 1,9 triệu tế bào não. Vì vậy, trước đây, các phương pháp trị liệu cho đột quỵ thiếu máu cục bộ thường tập trung vào các phân tử nhỏ, với các cơ chế hoạt động chống huyết khối, tan huyết khối và chống viêm. Nhưng chỉ có khoảng 4% trong số hơn 430 thử nghiệm lâm sàng đầy hứa hẹn cho các phương pháp trị liệu sử dụng phân tử nhỏ này đã được đưa ra thị trường thế giới, đột quỵ thiếu máu cục bộ vẫn tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật lâu dài. Các nghiên cứu hướng tới việc tìm ra giải pháp mới trong điều trị căn bệnh này do đó vẫn đang được nghiên cứu rộng và sâu.
Trong một nghiên cứu được công bố bởi Steven Stice và các cộng sự của ông tại Trung tâm Khoa học sinh học Tái tạo thuộc Đại học Georgia, Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu đã sử dụng exosome thu nhận từ tế bào gốc thần kinh để điều trị lợn bị đột quỵ. Exosome là các túi có kích thước nano được tiết ra bởi tế bào gốc. Thành phần chủ yếu bao gồm các protein, mRNA, miRNA, lipid và các yếu tố khác có tiềm năng điều trị bệnh. Exosome được coi là yếu tố trung gian có sức mạnh đáng kể trong giao tiếp từ xa giữa tế bào với tế bào để thay đổi hành vi của các khối u và các tế bào lân cận.
Nhóm nghiên cứu đã tiêm exosome theo đường tĩnh mạch vào mô hình lợn bị đột quỵ. Hình ảnh não lợn được chụp sau 24 giờ đột quỵ. Sau đó, họ áp dụng điểm số phục hồi (thường được sử dụng khi đánh giá trên người), dựa trên dạng đi của lợn, nhịp và tốc độ đi bộ cũng như chiều dài sải chân để đánh giá hiệu quả điều trị.
Kết quả cho thấy, các tế bào não không được tiêm exosome ở gần vị trí đột quỵ nhanh chóng bị thiếu oxy và chết. Sự chết tế bào này gây ra hàng loạt tín hiệu tổn thương trên toàn bộ mạng lưới tế bào não và có khả năng làm tổn thương hàng triệu tế bào khỏe mạnh khác. Tuy nhiên, ở vị trí tổn thương được điều trị bằng exosome, cácyếu tốnày có thể xâm nhập trực tiếp vào não và làm gián đoạn quá trình chết của tế bào não.
Giải thích cho cơ chế tác động của exosome trong hoạt động trị liệu này, Stice cho biết “Về cơ bản, trong một cơn đợt quỵ, những gốc tự do đã phá hủy mọi thứ. Những gì công nghệ exosome làm là giao tiếp với tế bào bị tổn thương và hoạt động như một chất chống viêm, làm gián đoạn và ngăn ngừa các tổn thương xảy ra”
Nhóm nghiên cứu đã nộp đơn đăng kí bằng sáng chế và sẽ tiếp tục thực hiện các thử nghiệm lâm sàng cho điều trị loại bệnh này vào năm 2021.
Phạm Vũ
Xem bản tin gốc tại đây