SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tỉ lệ nhiễm giun, sán ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng và hiệu qủa của các biện pháp phòng chống giun, sán dựa vào cộng đồng

[20/03/2020 09:46]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phùng Thị Thanh Thúy, Lê Thành Đồng và Đoàn Bình Minh - Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Giun truyền qua đất (Soil-transmitted helminths) là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến trên toàn thế giới và ảnh hưởng chủ yếu đến những người dân nghèo và ở những cộng đồng dân cư còn kém phát triển. Các bệnh giun truyền qua đất cho đến nay vẫn bị xếp vào nhóm những bệnh “bị lãng quên”, chưa có sự đầu tư thích đáng, mà mới chỉ có một vài tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động này ở một số vùng có tỉ lệ nhiễm cao, nhưng không mang tính thường xuyên. Do đó việc áp dụng một số biện pháp phòng chống giun sán dựa vào cộng đồng ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng là cần thiết.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỉ lệ nhiễm giun sán tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng và đánh giá hiệu quả một số biện pháp phòng chống giun sán dựa vào cộng đồng.

Nghiên cứu người dân sống tại các điểm nghiên cứu từ 02 tuổi trở lên. Loại trừ người đang mắc bệnh cấp tính, đang sốt (>38,50C). Người đang mắc một số bệnh mạn tính như suy thận, suy tim, suy gan, hen phế quản; Người có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc. Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em dưới 12 tháng tuổi. Xác định tỉ lệ nhiễm giun, sán tại tại khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng. Đánh giá hiệu quả phòng chống giun, sán dựa vào cộng đồng. Chủ động chọn 6 điểm của 3 tỉnh đại diện cho các vùng sinh thái, đại diện cho các quần thể dân cư với tính chất đặc thù về tập quán lao động, canh tác và thói quen ăn uống ở khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng, bao gồm: Tây nguyên: Chọn xã An Nhơn, huyện Đạ Tẻh và xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Đông Nam Bộ: Chọn phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa và xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tây Nam Bộ: Chọn phường Lê Bình, quận Cái Răng và phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất chung ở khu vực là 24,46% (171/699), sán lá 0,00% (0/699), sán dải 0,00% (0/699). Ở 3 xã áp dụng biện pháp phòng chống giun sán bằng sử dụng thuốc Mebendazole 500mg để tẩy giun ở cộng đồng sau 6 tháng và 12 tháng tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất lần lượt là 1,71% (12/700) và 2,00% (14/700). Ở 3 xã áp dụng biện pháp phòng chống giun sán bằng truyền thông và vệ sinh môi trường ở cộng đồng sau 6 tháng và 12 tháng tỉ lệ nhiễm giun truyền qua đất là 5,29% (37/700) và 4,86% (34/700). Đã xác định được tỉ lệ nhiễm giun, sán ở các điểm nghiên cứu của khu vực Nam Bộ - Lâm Đồng và đánh giá được hiệu quả phòng chống giun sán dựa vào cộng đồng.

ctngoc

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài