Đặc điểm của người mẹ liên quan đến suy dinh dưỡng cấp tính nặng của trẻ từ 6 tháng đến 59 tháng tại hai huyện Krông Pa và Kông chro tỉnh Gia Lai năm 2016
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Văn Doanh - Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Nguyễn Song Tú và Huỳnh Nam Phương - Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện.
Ảnh minh họa.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay trên Thế giới có khoảng 20 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (SDDCTN) và ước tính gây ra 1 triệu ca tử vong hàng năm. Nguy cơ tử vong liên quan đến SDDCTN chiếm tỷ lệ cao hơn khoảng 9 lần so với các thể suy dinh dưỡng khác và cao gấp từ 5 - 20 lần so với trẻ bình thường. SDDCTN có thể là nguyên nhân trực tiếp gây tử vong ở trẻ hoặc có thể đóng vai trò gián tiếp làm tăng nhanh nguy cơ tử vong ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến. Một trong những nguyên nhân gián tiếp làm cho trẻ có nguy cơ cao bị SDDCTN là do rào cản của các tập quán lạc hậu, do kiến thức thấp, do thái độ chăm sóc trẻ của bà mẹ chưa đúng cách.
Đối tượng tham gia trong nghiên cứu là những bà mẹ của trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 59 tháng, có ngày sinh từ 28/8/2011 đến ngày 28/01/2016 đang sinh sống tại hai huyện. Loại trừ bà mẹ có trẻ bị SDDCTN biến tính, bị bệnh như HIV, bị Down…, bà mẹ không có năng lực trả lời câu hỏi. Nghiên cứu bệnh - chứng ghép cặp theo tỉ lệ 1: 2, tức là 1 bà mẹ có trẻ bị SDDCTN và hai bà mẹ có trẻ không suy dinh dưỡng. Các yếu tố được sử dụng ghép cặp là dựa vào trẻ có cùng tuổi, cùng giới, cùng dân tộc, cùng tình trạng kinh tế gia đình và cùng xã nơi trẻ sống. Nhóm bệnh là 97 bà mẹ của 97 trẻ SDDCTN đã được phát hiện, nhóm chứng là 194 bà mẹ của 194 trẻ không SDD. Sử dụng bộ câu hỏi đã được thiết kế sẵn, tất cả các điều tra viên đã được tập huấn về mục đích, mục tiêu, phương pháp nghiên cứu và các kỹ thuật liên quan đến nghiên cứu, kỹ thuật phỏng vấn. Có 97 bà mẹ có trẻ đã được phát hiện bị SDDCTN thông qua khám sàng lọc, được điều trị tại cộng đồng, phù hợp với tiêu chuẩn nghiên cứu. Nhóm nghiên cứu điền đầy đủ các thông tin vào phiếu khám sàng lọc, sau đó cán bộ phỏng vấn, sử dụng bộ phiếu đã được thiết kế sẵn để phỏng vấn mẹ của trẻ tại hộ gia đình. Dựa vào 97 trẻ SDDCTN, nhóm nghiên cứu tiến hành chọn ngẫu nhiên hệ thống 194 trẻ không suy dinh dưỡng có cùng tuổi, cùng giới, cùng dân tộc, cùng tình trạng kinh tế gia đình và cùng xã nơi trẻ bị SDDCTN sống theo tỉ lệ 1:2, sau đó tiến hành các bước phỏng vấn các bà mẹ như đối với 97 bà mẹ có trẻ bị SDDCTN tại hộ gia đình. Số liệu được làm sạch và được mã hóa trước khi nhập vào máy tính, xử lý bằng phần mềm STATA 12. Sử dụng các test thống kê mô tả, sử dụng hồi quy logistic với OR khoảng tin cậy 95% trong nghiên cứu bệnh-chứng ghép cặp, mô tả thái độ hành vi của các bà mẹ và tìm mối quan hệ nhân quả, giữa các yếu tố nguy cơ của bà mẹ liên quan đến SDDCTN.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, thái độ của người mẹ khi chăm sóc trẻ biếng ăn, trẻ bị bệnh tiêu chảy hoặc NKHHC tại nhóm chứng tốt hơn nhóm bệnh, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm học vấn của người mẹ, bà mẹ khám thai ≥ 3 lần trong thời kỳ mang thai (p<0,05), các bà mẹ có học vấn càng cao, khám thai trên 3 lần trong thời kỳ mang thai thì tỉ lệ SDDCTN của trẻ càng giảm. Cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục bà mẹ về cách chăm sóc trẻ, đặc biệt tại các vùng xảy ra các thiên tai và vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
ctngoc
Tap chí y học TP HCM, tập 23, số 5-2019