SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tần suất và mục đích của hành vi tự làm tổn thương ở học sinh trung học phổ thông tại TP. Hồ Chí Minh

[24/03/2020 11:20]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Vân Thảo, Nguyễn Phương Thảo, Thái Thanh Trúc - Khoa Y tế Công Cộng, Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa. 

Hành vi tự làm tổn thương (HVTLTT) được hiểu là hành động có chủ ý, trực tiếp tự gây thương tích lên da thịt trên các bộ phận của cơ thể. HVTLTT được ghi nhận tỉ lệ nhiều nước trên thế giới từ 7,5 – 46,5% ở vị thành niên, 38,9% sinh viên đại học. Ở thanh thiếu niên các nước như Trung Quốc là 46,4%, 33,8% ở Ấn Độ, 16,8% ở Nhật Bản, 25,2% ở Hoa Kì, tỉ lệ chung các nước châu Âu là 27,6%. Tại Việt Nam, điều tra Quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) lần 2 năm 2010 báo cáo tỉ lệ HVTLTT là 7,5%, của Huỳnh Văn Sơn trên đối tượng THCS là 31,6%. Mỗi cá nhân tham gia vào những hành vi này với kỳ vọng rằng tổn thương sẽ gây ra đau đớn thể chất để điều chỉnh cảm xúc. Các HVTLTT phổ biến thường được báo cáo bao gồm cắt tay, rạch da, tự đánh chính mình, đập đầu, tự cắn mình, tự xăm mình, làm bỏng da, kéo giật tóc, chà sát lên da và một số hành động làm tổn thương khác được biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Mục đích để điều tiết cảm xúc là mục đích được sử dụng rộng rãi nhất để ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, buồn bã, tức giận hay đơn giản muốn gây sự chú ý hoặc gây tổn thương chỉ để cảm thấy được thư giãn. Thêm vào đó, những người thực hiện HVTLTT có thể vì nhiều mục đích khác nhau tùy theo vấn đề gặp phải hay khoảng thời gian trải qua vấn đề chứ không nhất định chỉ phục vụ một mục đích duy nhất HVTLTT thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên và tỉ lệ hành vi có xu hướng tăng theo độ tuổi, tuy nhiên cũng có nghiên cứu chỉ ra rằng một số thanh thiếu niên không còn thực hiện HVTLTT theo thời gian. Tại Việt Nam, nghiên cứu của Savy chú trọng tìm hiểu tỉ lệ của HVTLTT và các yếu tố liên quan thông qua câu hỏi khá đơn giản “Bạn có bao giờ tự gây thương tích cho mình không?” hay trong nghiên cứu của Huỳnh Văn Sơn khảo sát mức độ biểu hiện và ảnh hưởng của các loại hành vi hủy hoại bản thân ở học sinh trung học cơ sở (THCS) trong đó có tự làm tổn thương mà chưa thực sự khai thác sâu về các loại HVTLTT cũng như các mục đích khi thực hiện hành vi có hay không liên quan tới giới tính cũng như sự khác biệt trong độ tuổi trung học phổ thông (THPT). Bên cạnh đó, tác giả Dương Thị Thu Hương phát hiện 95% học sinh THPT từng có hành vi nguy hại sức khỏe, cũng như nhiều hành vi không lành mạnh thường liên kết với nhau. Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm khu vực phía Nam với gần 2000 trường học trên 24 quận/huyện cùng với số lượng học sinh chiếm tỉ lệ cao trên cả nước. Chính vì thế nghiên cứu này được tiến hành nhằm tìm hiểu tỉ lệ học sinh THPT có HVTLTT, tần suất và mục đích của HVTLTT, cũng như sự khác biệt giữa các yếu tố này theo giới và theo các nhóm tuổi khác nhau trên học sinh THPT tại TP. Hồ Chí Minh với mong muốn kết quả sẽ làm tiền đề để đưa ra cách phòng ngừa, biện pháp can thiệp, quản lí và tư vấn kịp thời cho các em học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học tại nhà trường, giúp xã hội, gia đình có những nhìn nhận rõ ràng và cụ thể hơn về HVTLTT trên đối tượng học sinh THPT.

Mục tiêu nghiên cứu Xác định tỉ lệ học sinh THPT có HVTLTT, tần suất và mục đích của HVTLTT, và sự khác biệt giữa các yếu tố này theo giới và theo các nhóm tuổi khác nhau trên học sinh THPT tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhiên cứu được tiến hành trên học sinh THPT tại 6 quận/huyện thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 5 năm 2019, bao gồm các quận/huyện sau: quận 5, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh, Cần Giờ, Hóc Môn.

Cỡ mẫu được tính theo công thức ước lượng một tỉ lệ với xác suất sai lầm loại 1 là 0,05, sai số của ước lượng là 0,05, tỉ lệ 29% thanh thiếu niên có ít nhất một lần HVTLTT theo nghiên cứu của Tang tại Trung Quốc được chọn là tỉ lệ ước lượng kết cuộc trong dân số(24), hệ số thiết kế là 2. Ngoài ra, nghiên cứu tiến hành thu thập mẫu qua 2 bước, xác nhận bằng văn bản có chữ ký đồng ý của phụ huynh học sinh (PHHS)/người giám hộ, sau đó mới tiến hành phát bộ câu hỏi tự điền về nhà trên những học sinh được sự đồng ý, theo các nghiên cứu trước đây thì khả năng mất mẫu lớn. Dự phòng mất mẫu 20% nên cỡ mẫu cần lấy ít nhất là 1585 người. Phương pháp chọn mẫu Áp dụng kĩ thuật chọn mẫu nhiều bậc, tại mỗi quận/huyện chọn ngẫu nhiên ra một trường THPT. Tại từng trường chọn ngẫu nhiên mỗi khối 2 lớp. Tất cả học sinh trong lớp được mời tham gia nghiên cứu. Trong tổng số 36 lớp được chọn có tổng số học sinh là 1.707 học sinh. Sau khi nhận được đồng ý của ban giám hiệu nhà trường tiến hành tại địa điểm nghiên cứu, nghiên cứu viên đến lớp cung cấp thông tin về nghiên cứu và gửi xác nhận cho phép các học sinh được tham gia nghiên cứu có chữ kí của PHHS/người giám hộ cho tất cả học sinh có mặt tại lớp khi đó. Có 327 PHHS/người giám hộ không đồng ý cho học sinh tham gia nghiên cứu. Các học sinh được phép tham gia nghiên cứu hoàn thành bộ câu hỏi tự điền được bỏ trong phong bì dán kín tại nhà và gửi lại cho nghiên cứu viên vào hôm sau. Đồng thời thông tin hỗ trợ tư vấn tâm lí và giải đáp những thắc mắc cũng được gửi đến những người tham gia. Sự tham gia của các học sinh là hoàn toàn tự nguyện và mọi thông tin được giữ riêng tư và bí mật. Sau khi thu lại bộ câu hỏi, kiểm tra và rà soát, nghiên cứu loại 64 bộ câu hỏi không hoàn chỉnh thì 1316 bộ câu hỏi hợp lệ được đưa vào phân tích. Bộ câu hỏi tự điền bao gồm các thông tin về đặc điểm cá nhân, gia đình, môi trường học tập, các vấn đề sức khỏe tâm thần và hành vi tự làm tổn thương. Hiện nay có nhiều thang đo được đưa ra để đánh giá HVTLTT, các thang đo đều được áp dụng rộng rãi, cho độ tin cậy cao trong nhiều nghiên cứu. Chọn thang đo FASM (Functional Assessment of SelfMutilation) của Lloyd (1997) do đây là thang đo được sử dụng phổ biến trên thế giới và bởi vì đặc điểm nội dung của thang đo đánh giá ngắn gọn hơn so với các thang đo khác, đồng thời khái niệm hành vi trong thang đo cũng phù hơp với tiêu chí đánh giá trong nghiên cứu hiện tại. Thang đo bao gồm 2 phần: Phần thứ nhất bao gồm 11 hành vi được liệt kê như cắt/khắc trên da, tự đánh mình, kéo giật tóc, tự xăm, chọc phá một vết thương trên cơ thể, làm bỏng da, nhét vật lạ dưới móng tay, tự cắn, tự đâm vào một vùng trên cơ thể đến mức chảy máu, cạo da, chà sát mạnh lên da và một câu “khác” với hệ số Cronbach’s alpha là 0,86. Phần thứ hai là 22 câu hỏi về mục đích của HVTLTT, các lí do được đưa ra để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau khi thực hiện hành vidẫn đến Cronbach’s alpha cho phần này chỉ đạt 0,66, phần này được đánh giá theo dạng Likert từ 0 (Không bao giờ) đến 3 (Thường xuyên). Các mục đích này được chúng tôi phân thành nhị giá là có (≥1) và không. Thang đo DASS-21 (Depression Anxiety and Stress Scales) là phiên bản rút gọn của DASS phiên bản gốc khảo sát 3 vấn đề sức khỏe tâm thần stress, lo âu, trầm cảm gồm 7 câu cho mỗi phần. Thang đo đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới và chuẩn hóa tại Việt Nam (26) với hệ số Cronbach’s alpha 0,88. Dữ liệu được tổng hợp và nhập bằng phần mềm EpiData 3.1 và phân tích bằng phần mềm Stata 14.2. Tần số và tỉ lệ phần trăm được dùng để mô ả các biến đặc điểm cá nhân, gia đình, môi trường học tập, hành vi tự làm tổn thương. Kiểm định Chi bình phương hoặc Fisher được sử dụng để so sánh tỉ lệ các hành vi và lý do giữa các phân nhóm giới và khối lớp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số 1316 học sinh tham gia nghiên cứu thì nữ chiếm đa số (63,3%) và phân bố gần như nhau ở các khối lớp (35,3% khối 10; 35,3% khối 11 và 29,4% khối 12). Tỉ lệ học sinh có HVTLTT trong nghiên cứu là 46,5%. Các hành vithường được học sinh THPT sử dụng là tự đánh mình, chọc phá vết thương, tự cắn và kéo giật tóc của mình. Nam có tỉ lệ kéo giật tóc và làm bỏng da cao hơn nữ (p<0,05). Mục đích phổ biến nhất khi thực hiện hành vi là ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực, để trừng phạt chính mình, kiểm soát tình hình hoặc để thư giãn. Sự khác biệt về các mục đích giữa nam và nữ, khối lớp cũng được xác định. Các học sinh sử dụng nhiều phương pháp tự làm tổn thương khác nhau để phục vụ cho các mục đích khác nhau. Hành vi tự làm bỏng da và kéo giật tóc có sự khác biệt giữa nam và nữ. Một số mục đích thực hiện HVTLTT có liên quan đến giới và khối lớp. Kết quả cho thấy cần có sự hỗ trợ can thiệp và quản lí để tránh những hậu quả từ HVTLTT trên đối tượng học sinh THPT.

ctngoc

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ