Tỷ lệ tật cận thị học đường, sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT và các yếu tố liên quan tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018
Nghiên cứu do đồng tác giả Trần Bích Trâm - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương và Nguyễn Duy Phong - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Cận thị học đường là một loại tật khúc xạ của mắt, thường xuất hiện và tiến triển ở lứa tuổi học sinh. Cận thị gây tác hại trước mắt là làm giảm thị lực nhìn xa, giảm khả năng khám phá thế giới xung quanh và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sức khỏe và thẩm mỹ của con người, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc, nặng hơn có thể bong võng mạc dẫn đến mù.
Mạng xã hội trở thành phương tiện hữu ích cho giới trẻ xây dựng, duy trì và phát triển các liên hệ xã hội. Việc tham gia các mạng xã hội đã giúp cho giới trẻ thể hiện những thái độ, quan điểm, hành vi, định hướng giá trị trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ công việc, học tập đến vui chơi giải trí. Bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng gây ra không ít các tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với tầng lớp học sinh. Học sinh trung học phổ thông (THPT) là lứa tuổi mà khả năng tiếp cận với cái mới, với khoa học công nghệ nhất, gây đam mê không kiểm soát dễ dẫn đến tật cận thị học đường. Kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao thì việc học sinh tiếp cận với mạng xã hội thông qua các trang thiết bị điện tử có kết nối Internet là điều không khó. Khi lạm dụng thái quá sự đam mê “tìm hiểu xã hội” ấy dẫn đến nhiều hệ lụy như trì hoãn: việc học hành, vận động thể lực, rơi vào trạng thái lệ thuộc, mất phương hướng về học hành thậm chí là ảnh hưởng đến thị lực của mắt. Năm 2015, The Vision Council báo cáo hơn 72,5% thanh thiếu niên Mỹ không nhận thức được những mối nguy hiểm khi mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng từ màn hình thiết bị. Nghiên cứu tại Việt Nam năm 2018 cũng cho thấy chỉ 40,7% học sinh sử dụng mạng Internet có hành vi đúng trong phòng chống cận thị. Từ đó có thể thấy ý thức bảo vệ mắt khi tiếp cận thường xuyên với các thiết bị điện tử kết nối mạng của thanh thiếu niên trong và ngoài nước chưa cao.
Trường THPT Trung Phú là một trường điểm của huyện Củ Chi, với số học sinh đông nhất cũng như phương pháp dạy – học hiện đại luôn khuyến khích học sinh sử dụng Internet trong học tập và giải trí. Vì vậy, việc học sinh thường xuyên tiếp xúc với mạng để truy cập thông tin bằng nhiều thiết bị là hiển nhiên và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thị lực của các em. Phạm vi nghiên cứu của chúng tôi chỉ tiến hành trên khía cạnh tiếp cận thường xuyên mạng xã hội của học sinh để xác định “Tỷ lệ tật cận thị học đường, sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT và các yếu tố liên quan tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018”. Từ đó có thể phối hợp cùng trường thiết kế các giải pháp ngăn ngừa cũng như làm giảm tác hại không lành mạnh của mạng xã hội đối với mắt của các em.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu xác định tỷ lệ tật cận thị học đường, sử dụng mạng xã hội của học sinh THPT và các yếu tố liên quan tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm 2018.
Nghiên cứu học sinh khối 10 và khối 11 đang theo học tại trường Trung Phú huyện Củ Chi năm học 2018 – 2019. Tổng số học sinh của khối 10 và 11 của trường là 1234 học sinh, chia thành 15 lớp khối 10 và 13 lớp khối 11. Số học sinh trung bình của mỗi lớp là 42 học sinh, nên số lớp cần chọn ra là 12 lớp. Sau đó tiến hành chọn lớp bằng cách đánh số thứ tự cho các lớp, bốc 12 thăm ngẫu nhiên chọn ra 12 lớp. Điều tra tất cả học sinh trong lớp. Tiêu chí đưa vào các đối tượng có mặt tại thời điểm nghiên cứu và đồng ý tham gia nghiên cứu. Phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu học sinh tự điền vào bộ câu hỏi soạn sẵn. Bộ câu hỏi tự điền bao gồm đặc điểm dân số xã hội - gia đình, tình hình sử dụng mạng xã hội, kỹ năng quản lý thời gian và thị lực học sinh. Nhập dữ liệu bằng phần mềm Epidata 3.1, phân tích số liệu bằng phần mềm Stata 13.0. Thống kê mô tả: tần số, tỷ lệ (%) được sử dụng để mô tả các biến đặc điểm dân số xã hội – gia đình, cận thị và đặc điểm sử dụng mạng xã hội ở đối tượng nghiên cứu. Thống kê phân tích: Kiểm định chi bình phương hoặc Fisher được sử dụng để tìm hiểu mối liên quan giữa cận thị với các đặc điểm dân số xã hội – gia đình, các yếu tố sử dụng mạng xã hội của đối tượng.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ cận thị và sử dụng mạng xã hội lần lượt là 47,7% và 81%. Không có mối liên quan giữa cận thị với: tuổi, dân tộc, nơi ở kết nối Internet, các yếu tố sử dụng mạng xã hội. Có mối liên quan giữa cận thị với giới (p = 0,04, KTC 95% 0,67 – 0,99), khối lớp (p = 0,046, KTC 95% 0,69 – 0,99) và tiền sử gia đình có người bị cận (p < 0,001, KTC 95% 1,33 – 1,9). Tỷ lệ cận thị và sử dụng mạng xã hội là 47,7% và 81%. Có mối liên quan giữa cận thị với giới, khối lớp và tiền sử gia đình có người bị cận.
ctngoc
Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019