Isobutyl glucosid và lignan được phân lập từ lá cây bạch hạc (Rhinacanthus nasutus (L.) Lindau)
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Thanh Phương, Trần Minh Ngọc- Viện Dược liệu, tác giả Triệu Duy Điệt – Học viện Quân y thực hiện.
Bạch hạc còn có tên gọi khác là cây lác, thuốc lá nhỏ lá, cây kiến cò, nam uy linh tiên, tên khoa học: Rhinacanthus nasutus (L.) Lindau thuộc họ Ô rô (Acanthaceae). Ở nước ta, bạch hạc được sử dụng nhiều làm thuốc trong y học cổ truyền với tính vị ngọt dịu, mùi hắc nhẹ, tính bình, có tác dụng chống ho, sát trùng, chống ngứa, trừ phong thấp. Ngoài ra, ở nhiều nơi nhân dân ta còn dùng rễ cây bạch hạc để chữa bệnh hắc lào và một số bệnh ngoài da như bệnh chốc lở (impetigo), bệnh mụn rộp loang vòng (herpes circine), eczema mạn tính. Các nhà khoa học trên thế giới đã xác định sự có mặt của các hợp chất flavonoid, phenol, alkaloid, naphthaquinon, phenyl propanoid và triterpen trong cây bạch hạc. Từ thân cây bạch hạc đã phân lập được 7 phenolic glycosid. Trong nghiên cứu này, công bố phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 1 hợp chất isobutyl glycosid mới và 2 hợp chất lignan lần đầu tiên được phân lập từ lá cây bạch hạc thu hái tại Hà Nội, Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu là mẫu cành lá cây bạch hạc được thu hái vào tháng 8/2014 tại quận Long Biên, Hà Nội. Mẫu lá được sấy khô trong tủ sấy ở nhiệt độ 60OC và nghiền thành bột trước khi tiến hành chiết xuất. Mẫu cành lá cây bạch hạc được thu lại lần 2 vào 8/2018.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân lập; Phương pháp xác định cấu trúc; Chiết xuất và phân lập.
Bằng các phương pháp sắc ký kết hợp với các phương pháp phổ, đã phân lập và xác định cấu trúc của 3 hợp chất, trong đó có một chất mới là (2S) isobutyl O-β-D-apiofuranosyl (1→2)-β-D-glucopyranosid (1) và 2 lignan là: (-)-dihydrodiconiferyl alcohol (2) và (7β, 8α, 7′,8′ trans, 7″,8″ erythro) guaiacylglycerol β-O-4-dehydrodisinapyl ether (3) lần đầu tiên phân lầm được từ cây bạch hạc (Rhinacanthus natusus).
Vân Anh