Bảo tồn giống tủy tùng bằng kỹ thuật ghép In Vitro
Thủy tùng là loài thực vật được xem như hoá thạch sống của ngành hạt trần, xuất hiện cùng thời với bách xanh cổ, cách đây khoảng 10 triệu năm. Gỗ thuỷ tùng tốt, có mùi thơm, thớ mịn, không bị mối mọt, nứt nẻ, cong vênh, dễ gia công nên được sử dụng làm nhà, đồ dùng cao cấp trong gia đình, đồ mỹ nghệ. Vỏ có chứa tanin, cành, lá và nón chín dùng để làm thuốc chữa phong thấp, giảm đau, làm săn da, cây có dáng đẹp, có thể trồng làm cảnh. Vì thuỷ tùng có giá trị cao về kinh tế, khoa học, dược liệu và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nên việc nghiên cứu bảo tồn loài cây này rất cấp thiết
Chồi thuỷ tùng nuôi cấy in vitro với kích thước 8 mm được ghép bằng phương pháp ghép nối, tại trục thượng diệp, trên gốc ghép là cây sa mu (Cunninghamia lanceolata) 30 ngày tuổi, gieo từ hạt, trên giá thể đất bazan trộn với xơ dừa với tỷ lệ 7/3, độ ẩm 70%, hấp khử trùng ở nhiệt độ 121⁰C, 1 atm, thời gian 2 giờ. Với phương pháp ghép này đã tạo được cây ghép hoàn chỉnh in vitro, cây ghép sống và phát triển tốt khi trồng ra ngoài tự nhiên. Kết quả này đã đóng góp vào việc nghiên cứu để bảo tồn loài cây quí hiếm đang bị đe doạ tuyệt chủng. Cây ghép sống từ phòng thí nghiệm sau khi thuần hoá được đưa ra trồng ngoài nhà kính nhận thấy có sự sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam - Số 8/2016