Hiện trạng vệ sinh môi trường và chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại một số trường học khu vực phía Nam năm 2018
Nghiên cứu do nhóm tác giả Đặng Ngọc Chánh, Phan Công Khá và Lê Ngọc Diệp - Viện Y tế công cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Giáo dục luôn là mục tiêu hàng đầu của đất nước ta và nhà trường là cái nôi ươm mầm cho thế hệ trẻ. Vấn đề vệ sinh trường học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe cho giáo viên, học sinh. Bên cạnh đó, việc nếu vệ sinh trường học không tốt thì có thể dẫn đến phát sinh bệnh tật và là ổ dịch lây lan bệnh tật cho cộng đồng. Đảm bảo trường học xanh, sạch, đẹp sẽ tạo ra một môi trường học tập, vui chơi an toàn, lành mạnh, hấp dẫn, đồng thời giáo dục chúng ta ý thức, thói quen giữ gìn và bảo vệ môi trường. Vì vậy, vệ sinh trường học cũng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018- 2019 của ngành Giáo dục. Theo báo cáo của tổ chức JMP, trong năm 2016, trên toàn thế giới, 69% trường học có cung cấp nước uống sạch cho học sinh, 19% trường học không cung cấp nước uống, có khoảng 570 triệu học sinh thiếu nước uống tại trường học; về vệ sinh trường học, có 53% trường học có đầy đủ dịch vụ vệ sinh môi trường, được cung cấp đầy đủ nước và xà phòng rửa tay, 36% trường học không có dịch vụ vệ sinh. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 8/2018, cả nước có trên 188,000 nhà vệ sinh ở các cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) công lập. Hầu hết cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT công lập đều có nhà vệ sinh dành riêng cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, nhà vệ sinh đang sử dụng tốt chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 67,3% (riêng cấp tiểu học chỉ có 57,9% nhà vệ sinh sử dụng tốt, còn lại là bán kiên cố, tạm hoặc nhà vệ sinh nhờ mượn). Nhiều nhà vệ sinh không đáp ứng yêu cầu sử dụng như số lượng xí, chỗ rửa tay còn thiếu.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng nước sạch và vệ sinh môi trường tại 9 trường học trên địa bàn 3 tỉnh khu vực phía Nam, từ đó đề xuất các biện pháp cải thiện.
Nghiên cứu 9 trường học, bao gồm 1 trường mẫu giáo, 4 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 1 trường trung học phổ thông. Phương pháp lựa chọn mẫu ngẫu nhiên trên địa bàn tỉnh An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và Trà Vinh (mỗi tỉnh 3 mẫu), nhằm đánh giá hiện trạng vệ sinh môi trường và chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt tại các trường học. Nghiên cứu cắt ngang mô tả được thực hiện trên 9 trường học tại 3 tỉnh khu vực phía Nam. Nội dung đánh giá bao gồm: công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, công tác thu gom và xử lý chất thải, công tác cấp nước và đảm bảo chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các trường đã có phân công công việc đảm bảo vệ sinh trường học và thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục về môi trường. 77,78% cơ sở có công trình vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, không có mùi, đồng thời có các phương án xử lý chất thải rắn phát sinh phù hợp. Nước ăn uống và sinh hoạt được nhà trường cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại: 66,67% cơ sở chưa đảm bảo vệ sinh học đường; 44,44% cơ sở chưa có hệ thống thu gom nước mưa, các trường chưa quan tâm đến chất lượng nước đang sử dụng; 62,5% mẫu nước uống trực tiếp không đạt chỉ tiêu vi sinh. Các trường học đã thực hiện tốt công tác vệ sinh trường học, tuy nhiên chưa bảo đảm chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.
ctngoc
Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019