Đặc điểm dịch tễ các vụ ngộ độc thực phẩm tại các tỉnh thành phía Nam năm 2010-2018
Nghiên cứu do đồng tác giả Lê Thị Ngọc Ánh và Đặng Văn Chính - Viện Y tế Cộng Cộng TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa
Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) là mối quan tâm của mỗi người dân và chính quyền các cấp. Để nâng cao sức khỏe của cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống thì đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của ngành y mà còn của các cấp chính quyền và mỗi người dân. Tình hình NĐTP tại Việt Nam trong những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp. Các vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, quy mô mắc. Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm trong 10 năm từ 2006-2015 cả nước trung bình mỗi năm có 180 vụ NĐTP, 5.913 người mắc và 42 người tử vong. Nguyên nhân gây NĐTP chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), kế đến là do độc tố tự nhiên 27,9%, do hoá chất 4,3% và 26,6% các vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Số vụ NĐTP xảy ra tại các bếp ăn gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (51,97%), kế đến là bếp ăn tập thể 18,56%. Tuy nhiên, số người mắc tại các bếp ăn tập thể là nhiều nhất (chiếm 47,99% số người mắc). Tại Việt Nam, hiện nay có 109 khu công nghiệp, trong đó khu vực phía Nam là khu vực trọng điểm có nhiều khu công nghiệp nhất trên cả nước với 80 khu công nghiệp nằm tại 14/20 tỉnh thành. Do đó, công tác quản lý về an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các khu vực phía Nam tương đối phước tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ các vụ NĐTP xảy ra với quy mô lớn.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu mô tả các đặc điểm dịch tễ các vụ NĐTP tại 20 tỉnh thành phía Nam năm 2010-2018.
454 vụ NĐTP tại 20 tỉnh thành phía Nam năm 2010-2018 gồm các tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Hồi cứu tất cả các báo cáo về các vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra tại 20 tỉnh thành phía Nam báo cáo về Viện Y tế Công Cộng TP. Hồ Chí Minh từ năm 2010-2018. Các biến số nghiên cứu gồm số vụ, số mắc, số tử vong, quy mô mắc, nơi xảy ra NĐTP, căn nguyên, tình hình lấy mẫu thực phẩm và bệnh phẩm. Số liệu được nhập liệu bằng phần mềm Excel và phân tích bằng Sata 13.0. Thống kê mô tả sử dụng trong nghiên cứu là tần số (n), tỉ lệ (%).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 9 năm (từ 2010-2018) đã xảy ra 454 vụ NĐTP với 18.300 người mắc và 62 người tử vong tại 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Trong đó có 35,7% các vụ NĐTP đã xảy ra với quy mô ≥ 30 người mắc hoặc có trường hợp tử vong. Năm 2010 có số vụ NĐTP cao nhất với 82 vụ, 2.839 người mắc và 12 người tử vong, trong khi năm 2018 chỉ có 30 vụ với 705 người mắc và 2 người tử vong. Có 36,3% các vụ NĐTP với 69,0% số người mắc đã xảy ra tại các bếp ăn tập thể (BATT) của các các công ty, xí nghiệp, 30,0% các vụ NĐTP với 4,1% số người mắc và 82,3% số người tử vong xảy ra tại bữa ăn của gia đình. Các nguyên nhân gây NĐTP gồm vi sinh vật chiếm 47,6%, độc tố tự nhiên 19,2%, hóa chất 4,2% và không rõ nguyên nhân 29,1%. Nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất là độc tố tự nhiên (do ăn cá nóc, con Sam biển, con cóc, nấm độc) chiếm 59,7% và do hóa chất (rượu giả có chưa methanol) chiếm 30,6%. Các vụ NĐTP phần lớn xảy ra tại các BATT của các công ty xí nghiệp, do đó cần đẩy mạnh công tác tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm cho người chế biến tại các BATT của các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó nguyên nhân gây hầu hết các trường hợp tử vong là do độc tố tự nhiên và hóa chất nên việc tăng cường truyền thông kiến thức về nhận biết các thực phẩm có độc tố tự nhiên đến các gia đình là rất cần thiết. Ngoài ra, cần kiểm soát việc buôn bán rượu giả (rượu có chứa methanol) trên thị trường và truyền thông kiến thức giúp người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc.
dtphong
Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019