Hiệu quả gây tê tủy sống bằng Bupivacaine, Sufentanil và Morphine trong mổ cắt tử cung toàn phần đường bụng
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trần Văn Đăng (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) và Bùi Thị Minh Thư (Bệnh viện Phụ Sản Thành phố Cần Thơ) cùng thực hiện tại Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ từ 6/2018 đến 11/2018.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Gây tê tủy sống thường được sử dụng trong phẫu thuật cắt tử cung toàn phần đường bụng. Khi gây tê với Bupivacaine đơn thuần thường phải dùng liều cao gây tụt huyết áp, chậm nhịp tim, thời gian giảm đau sau mổ ngắn do đó phải dùng thêm thuốc giảm đau phối hợp. Việc phối hợp thuốc tê với Sufentanil sẽ rút ngắn thời gian tiềm phục, giảm ảnh hưởng huyết động và ức chế được mức đau tạng trong lúc mổ, phối hợp Morphine giúp kéo dài thời gian giảm đau sau mổ đến hơn 24 giờ.
Nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của gây tê tủy sống bằng bupivacaine với sufentanil và morphine trong m.ổ cắt tử cung đường bụng. Nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp tiến cứu, mô tả, cắt ngang được thực hiện trên 71 bệnh nhân có chỉ định cắt tử cung đường bụng vì u cơ tử cung tại bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ từ 6/2018 đến 11/2018. Nội dung nghiên cứu gồm thông tin về hiệu quả giảm đau trong và sau mổ, các tác dụng không mong muốn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiệu quả giảm đau trong mổ tốt 95,8%; thời gian tiềm phục 1,67 phút; thời gian phong bế cảm giác ở mức ngực 8 là 3,02 phút; thang điểm Bromage III khi rạch da 83,1%; thời gian phục hồi vận động sau mổ 126,41 ± 36,08 phút; thời gian giảm đau sau mổ 21,1 ± 0,8 giờ; tác dụng không mong muốn gồm 9,9% tụt huyết áp; 2,8% mạch chậm; 8,5% trường hợp có nôn; 11,3% lạnh run và 7% có ngứa trong và sau mổ. Từ đó có thể kết luận: Gây tê tủy sống bằng bupivacaine với sufentanil và morphine đạt hiệu quả tốt và an toàn trong mổ cắt tử cung toàn phần đường bụng.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Dược học Cần Thơ (Đại học Y Dược Cần Thơ) năm 2019.
Tạp chí Y Dược học Cần Thơ (pcmy)