Khảo sát kiến thức của bà mẹ có con dưới 5 tuổi về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính
Ở Việt Nam, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT) là bệnh phổ biến, có tỉ lệ mắc và chết cao nhất trong tất cả các bệnh nhiễm khuẩn cấp ở trẻ em.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính tiêu chảy và suy dinh dưỡng là 3 bệnh lý rất phổ biến, là nguyên nhân chủ yếu gây mắc bệnh và tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và đứng thứ ba gây tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam. Để xác định kiến thức và một số yếu tố liên quan đến kiến thức về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đối với các bà mẹ có con dưới 5 tuổi, nhóm tác giả Dương Hồng Danh (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai), Phạm Văn Lình (Trường Đại học Y Dược Cần Thơ) cùng thực hiện nghiên cứu mô tả cắt ngang trên 700 bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai năm 2018-2019.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bà mẹ có kiến thức đúng về dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là 41,71%, kiến thức đúng về phòng bệnh là 18,86%, kiến thức đúng về xử trí khi trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là 68,29%. Bà mẹ có kiến thức chung về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính đúng là 37,14%. So với nhóm kiến thức đúng về nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính qua 1 nguồn, nhóm biết thông qua 4 nguồn và 5 nguồn cao hơn gấp 2,07 lần và 2,92 lần. Qua kết quả nghiên cứu cho thấy, cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khoẻ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Nhằm cho trẻ nâng cao kiến thức và thực hành phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong cộng đồng.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y Dược học Cần Thơ (Đại học Y Dược Cần Thơ) năm 2019.
Tạp chí Y Dược học Cần Thơ (pcmy)