SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hiệu quả xử lý nước thải thủy sản của lồng quay sinh học hiếu khí ba bậc

[22/04/2020 15:58]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Lê Hoàng Việt, Lâm Chí Bảo, Phan Thị Kim Hiền và Nguyễn Võ Châu Ngân - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm xác định các thông số thiết kế và vận hành lồng quay sinh học hiếu khí ba bậc cho nước thải đầu ra đạt QCVN 11-MT:2015/BTNMT cột A, đa dạng hóa các loại hình xử lý nước thải thủy sản để tăng sự lựa chọn cho các nhà máy, góp phần vào việc bảo vệ môi trường.

Việt Nam có lãnh hải rộng lớn và hệ thống sông ngòi dày đặc tạo thuận lợi cho khai thác và nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy ngành chế biến thủy sản phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2017, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 7,28 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm 2016. Tuy nhiên do đặc thù sử dụng một lượng lớn nước cho sản xuất, nước thải thủy sản phát sinh ra nhiều với nồng độ các chất ô nhiễm cao. Đĩa tiếp xúc sinh học (hay còn gọi là đĩa quay sinh học) là công nghệ xử lý nước thải bằng vi sinh vật theo dạng tăng trưởng bám dính, được lắp đặt đầu tiên ở Tây Đức vào năm 1960. Hiện nay, đĩa quay sinh học được sử dụng khá phổ biến ở các nước tiên tiến, nhưng còn ít được áp dụng tại các nước đang phát triển do chi phí nhập các khối đĩa này khá cao, phụ thuộc vào nhà sản xuất. Để hạ giá thành và đơn giản hóa việc chế tạo, đã có những nghiên cứu biến thể đĩa quay sinh học thành lồng quay sinh học để dễ dàng áp dụng vào thực tế. Lồng quay sinh học được cấu thành từ lồng lưới bên trong chứa các giá thể bán phổ biến trên thị trường, để vi sinh vật (VSV) bám vào tạo thành lớp màng sinh học và phân hủy các chất ô nhiễm.

Đối tượng nghiên cứu là nước thải chế biến tôm của Công ty TNHH Hải sản Việt Hải (quốc lộ 1A, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang). Nước thải được lấy tại hố thu nước tập trung trước khi đưa vào hệ thống xử lý, thời gian lấy nước từ 8 giờ đến 10 giờ buổi sáng và chiều từ 2 giờ đến 3 giờ 30 phút. Ở những thời điểm này, công nhân đang tiến hành sơ chế nguyên liệu nên nồng độ chất ô nhiễm cao so với những thời điểm khác, do đó nếu sử dụng nước thải này tiến hành thí nghiệm trên mô hình sẽ tăng độ tin cậy khi áp dụng ngoài thực tế.

Với tải nạp chất hữu cơ 2,06 g BOD/m2 .ngày-1 (tính theo diện tích màng sinh học), thời gian lưu nước 5 giờ, nước thải sau xử lý bằng lồng quay sinh học ba bậc và lắng tĩnh 30 phút có nồng độ các chất ô nhiễm giảm xuống đạt QCVN 11-MT:2015/BTNMT loại A. Khi vận hành với tải nạp chất hữu cơ là 2,4 g BOD/m2 .ngày-1 , thời gian lưu nước 4 giờ, nồng độ COD, BOD5, N-NH4 + , TP, SS của nước thải đầu ra đạt cột A QCVN 11-MT:2015/BTNMT, riêng TP là 10,83 mg/L chỉ đạt cột B theo quy chuẩn. Như vậy, lồng quay sinh học hiếu khí ba bậc có thể dùng để xử lý nước thải chế biến thủy sản đạt cột A QCVN 11-MT:2015/ BTNMT ở thời gian lưu nước 5 giờ, và tải nạp chất hữu cơ là 2,06 g BOD/m2 . ngày-

Lttsuong

Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, Số 6A (2019): 18-28)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ