SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase của các cao chiết từ lá cây núc nác (Oroxylum indicum L.)

[22/04/2020 16:15]

Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kháng oxy hóa và khả năng ức chế các enzyme α-amylase và α-glucosidase của lá cây núc nác nhằm hướng tới việc sử dụng cây núc nác trong hỗ trợ điều trị bệnh ĐTĐ cũng như các biến chứng của bệnh.

Nghiên cứu do nhóm tác giả Đái Thị Xuân Trang, Nguyễn Thị Thùy Oanh, Trần Chí Linh, Lê Thanh Phương Thảo, Trần Thanh Mến và Nguyễn Trọng Tuân - Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã được thực hiện nhằm tìm ra phương án tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ). Trong đó, nhiều nghiên cứu về các chiết xuất từ thảo dược có khả năng làm giảm glucose huyết đã được công bố. Một trong những cách thức để kiểm soát glucose huyết sau bữa ăn là ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase. Do vậy, việc sử dụng các thực vật có thể có hiệu quả giảm glucose huyết và kháng oxy hóa nhằm giảm nguy cơ bệnh ĐTĐ cũng như các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây ra.

Cây núc nác (Oroxylum indicum L.) là một trong những loại thảo mộc truyền thống ở Châu Á. Thành phần hóa học của cây núc nác chủ yếu chứa flavonoid, naphthalenoid và cyclohexylethanoid có khả năng điều trị một số bệnh như vàng da, viêm khớp, thấp khớp, loét dạ dày, khối u, bệnh đường hô hấp, đái tháo đường, tiêu chảy, kiết lỵ và đặc biệt là ung thư. Trên thế giới, cũng đã có nhiều nghiên cứu và xác minh thực nghiệm về tác dụng chữa bệnh của cây núc nác. Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về khả năng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường của loài dược liệu này. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả kháng oxy hóa và khả năng ức chế các enzyme α-amylase và α-glucosidase của lá cây núc nác nhằm hướng tới việc sử dụng cây núc nác trong hỗ trợ điều trị bệnh ĐTĐ cũng như các biến chứng của bệnh.

Cây núc nác (Oroxylum indicum L.)

Thành phần hóa học của lá cây núc nác được xác định có chứa các nhóm chất alkaloid, flavonoid, glycoside, tannin, steroid và triterpenoid. Hàm lượng polyphenol (60,56±0,30 mg GAE/g cao chiết) và flavonoid (235,29±2,88 mg QE/g cao chiết) trong cao ethyl acetate nhiều hơn cao chiết từ ba dung môi còn lại là ethanol, n-hexane và dichloromethane.

Kết quả đánh giá hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế enzyme của các cao chiết ethanol, n-hexane, dichloromethane và ethyl acetate từ lá cây núc nác: cao ethyl acetate có hoạt tính kháng oxy hóa và ức chế hoạt động của các enzyme α-amylase và α-glucosidase mạnh nhất trong các cao chiết được khảo sát.

Các cao chiết lá cây núc nác được sơ bộ định tính thành phần hóa học, định lượng polyphenol và flavonoid, khảo sát khả năng kháng oxy hóa, ức chế enzyme α-amylase và α-glucosidase. Kết quả chỉ ra rằng tất cả các cao chiết đều có hoạt tính kháng oxy hóa. Hoạt động kháng oxy hóa và ức chế enzyme của các cao chiết có mối tương quan logic với hàm lượng polyphenol và flavonoid. Cao ethyl acetate có hàm lượng polyphenol và flavonoid cao nhất, cho thấy hoạt động kháng oxy hóa và ức chế enzyme mạnh hơn các cao chiết còn lại.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy lá cây núc nác có thể là dược liệu tiềm năng trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến gốc tự do và bệnh ĐTĐ, cần được nghiên cứu thêm để xem xét khả năng ứng dụng trong y học hoặc trong thực phẩm chức năng.

Lttsuong

Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, Số 6A (2019): 29-36
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài