Đa dạng thành phần loài cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Nghiên cứu đa dạng thành phần loài cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ được thực hiện với mục tiêu lập cơ sở dữ liệu đầy đủ về cây có độc tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phùng Thị Hằng, Cao Văn Vững, Nguyễn Thị Thùy Nhiên, Phan Thành Đạt, Trần Thị Ngọc Linh, Huỳnh Bảo Toàn và Phạm Đông Hải – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Cây độc là cây khi người hoặc động vật ăn phải, có khi chỉ một lượng nhỏ, đã có thể gây ra những rối loạn chức năng trong cơ thể, nặng có thể chết. Số lượng cây có độc và cây có thể gây độc trên thế giới là rất lớn, có thể có hơn 700 loài ở Ấn Độ và khoảng 325 loài đã được thống kê mô tả chi tiết. Cây độc hàng năm gây thiệt hại lớn cho người và gia súc vì vậy việc tìm kiếm cây có độc và chất gây độc trong cây cũng đã có từ. Tuy nhiên, từ "cây độc" có thể gây sự sợ hãi không cần thiết, bên cạnh những loài có độc tính cao, một số “cây độc” chỉ gây kích ứng nhẹ.
Cây được xác định là “cây độc” không đồng nghĩa với tất cả các bộ phận của cây có thể gây độc và nó cũng không độc đối với tất cả mọi người. Các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy các hoạt chất trong cây đều có thể sử dụng làm thuốc và phần lớn có trong cây có độc. Như vậy, kiến thức về cây có độc rất hữu ích, không chỉ vì mối quan tâm cho sức khỏe con người và động vật mà nó còn là một nguồn quan trọng để khám phá ra những loại thuốc mới.
Bằng phương pháp điều tra thực địa trên bảy tuyến, hai khu đặc biệt với sáu sinh cảnh trong 10 tháng, đề tài đã thu được 62 loài, thuộc 52 chi, 26 họ của 2 ngành thực vật: Ngành Thông (Pinophyta) và Ngành Ngọc Lan (Magnoliophyta), 26 họ và 52 chi, bổ sung thêm 31 loài cho danh lục cây có độc trong “Cây độc ở Việt Nam”. Trong đó, họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) chiếm tỷ lệ cao nhất (12,90%), chi Euphorbia thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) đa dạng nhất với 4 loài (chiếm 6,45%). Hệ thực vật có độc ở quận Ninh Kiều thuộc bốn dạng sống chính là cây thảo, cây leo, cây bụi và cây gỗ, trong đó, nhóm cây thảo có số loài nhiều nhất với 27 loài (chiếm 43,55%), có số loài ít nhất là nhóm cây gỗ có 10 loài (chiếm 16,13%). Cây có độc trong phạm vi nghiên cứu có số loài dạng thân thảo chiếm tỷ lệ nhiều nhất (43,55%); đa số chất độc có ở toàn cây (chiếm 35,48%); nôn mửa, tiêu chảy là những triệu chứng phổ biến nhất khi ăn phải (lần lượt chiếm tỷ lệ 50% và 45,16%). Nhóm chất độc chủ yếu là alkaloid, glycoside (chiếm tỷ lệ 25,81%), dầu béo, triterpene, calcium oxalate (chiếm tỷ lệ 11,29%). Các tác động cũng như biểu hiện lâm sàng khi bị trúng độc do cây độc gây ra được chia thành 49 nhóm, trong đó, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy là những biểu hiện phổ biến nhất. Các công dụng khác của cây có độc ở khu vực nghiên cứu gồm làm cảnh, làm thực phẩm và làm thuốc.
Lttsuong
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 55, Số 5A (2019)