SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng và chiến lược sử dụng nguồn vốn sinh kế thích ứng với xâm nhập mặn của nông hộ ven biển đồng bằng sông Cửu Long

[23/04/2020 14:56]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Duy Cần và Võ Hồng Tú – Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm đề xuất các biện pháp về sử dụng nguồn vốn sinh kế hiệu quả, hệ thống canh tác thích ứng với xâm nhập mặn và BĐKH ở các địa phương chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn vùng ven biển.

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cũng như là vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới do sự thay đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Nhiều nghiên cứu dự báo cho thấy trong tương lai gần, ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn do mực nước biển dâng gây thiệt hại về kinh tế và nhiều rủi ro về mất dần diện tích đất sản xuất nông nghiệp cũng như thay đổi các hệ thống canh tác mới. Đặc biệt, ở các tỉnh nằm ở vùng ven biển của ĐBSCL, sự tổn thương do xâm nhập mặn, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Điều này cho thấy ĐBSCL sẽ phải đối mặt với những nguy cơ lớn do mực nước biển dâng trong những thập niên sau. Điều này cũng có nghĩa là những hệ thống canh tác hiện tại sẽ bị phá hủy, sản xuất và đời sống người dân, đặc biệt là vùng ven biển sẽ chịu những tác động lớn do BĐKH.

Thực tế ở các vùng ven biển trong thời gian qua, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, các diện tích đất sản xuất và hệ thống canh tác bị thiệt hại. Thực tế, các hộ dân sống ven biển dễ bị tổn thương, tuy nhiên sự nhận thức về tổn thương, hiểu biết về biến đổi khí hậu và các tác hại của chúng chưa được nhận rõ. Thêm nữa, năng lực ứng phó của cộng đồng chưa được khơi dậy. Điều này gây trở ngại cho địa phương trong việc đưa ra các giải pháp thích ứng bền vững hiệu quả với biến đổi khí hậu cụ thể của địa phương, cũng như hoạch định chính sách xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xâm nhập mặn và BĐKH tại các địa phương.

Nghiên cứu được thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp 298 nông hộ tại 10 xã ở hại huyện An Minh (Kiên Giang) và Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Phương pháp hồi quy đa biến được sử dụng để phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của nông hộ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nguồn vốn con người khá dồi dào, nguồn vốn xã hội còn hạn chế, nguồn vốn đất đai lớn, nguồn vốn tài chính chưa cao và nguồn vốn vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Vay vốn và kinh nghiệm sản xuất có ảnh hưởng tỷ lệ nghịch đến kết quả sinh kế nông hộ. Diện tích đất, đầu tư sản xuất và tổng giá trị phương tiện phục vụ sản xuất và sinh hoạt có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với kết quả sinh kế nông hộ. Để nâng cao năng lực thích ứng cho nông hộ và sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn sinh kế sẵn có, vốn vật chất và tài chính là hai yếu tố cần tiếp tục được đầu tư hỗ trợ để nông hộ sử dụng hiệu quả các nguồn lực sinh kế còn lại như vốn con người, xã hội và tự nhiên.

Lttsuong

Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ