Khảo sát hàm lượng curcumin trong một số chế phẩm lưu hành trên thị trường
Nghiên cứu do nhóm tác giả Hứa Hoàng Oanh - Khoa Y học Cổ Truyền, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Cẩm Nhung - Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Nghệ vàng (Curcuma longa L.) thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), được trồng nhiều ở những vùng khí hậu nóng ẩm như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Jamaica, Peru và Việt Nam. Củ nghệ từ lâu đã được sử dụng rộng rãi làm gia vị, chất bảo quản và chất tạo màu trong thực phẩm. Ngoài ra, củ nghệ cũng là một trong những phương thuốc dân gian hiệu quả trong chữa trị nhiều loại bệnh như vàng da, các bệnh về gan, mật, u nhọt, viêm khớp, cảm cúm. Trong những thập kỷ gần đây, rất nhiều các nghiên cứu đã được công bố về hoạt tính sinh học và dược học của củ nghệ vàng cũng như các thành phần chiết xuất từ củ nghệ, trong đó curcuminoid và tinh dầu nghệ được chứng minh là những thành phần chính tạo nên dược tính cao của nghệ vàng Việt Nam có nguồn cung cấp nghệ vàng phong phú, phân bố ở nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Nam, Đồng Nai, Bình Dương. Thành phần, hàm lượng curcuminoid và tinh dầu trong củ nghệ vàng ở các vùng khác nhau có sự thay đổi lớn do ảnh hưởng của điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, điều kiện trồng trọt, chăm sóc. Việc nghiên cứu về đặc trưng củ nghệ vàng của mỗi vùng sẽ giúp đánh giá đầy đủ hơn giá trị sử dụng, từ đó có được sự định hướng tốt hơn cho việc phát triển nguồn nghệ vàng trong nước. Đó là lý do tiến hành đề tài: “Khảo sát hàm lượng curcumin trong một số chế phẩm lưu hành trên thị trường”.
Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá chất lượng các sản phẩm nghệ vàng trên thị trường bằng định tính và định lượng curcumin bằng các phương pháp đơn giản, kinh tế, có thể áp dụng rộng rãi trong nhiều phòng thí nghiệm.
Nghiên cứu chất chuẩn curcumin của Viện Kiểm nghiệm thuốc Thành phố Hồ Chí Minh: curcumin có hàm lượng 94,9%, số lô: QT209, ngày sản xuất 05/03/2017. Khảo sát bột nghệ vàng bằng cảm quan và soi bột Soi bột dược liệu bằng kính hiển vi, tìm các cấu tử đặc trưng của cây nghệ vàng (Curcuma longa L.) theo tiêu chuẩn DĐVN V. Phản ứng hóa học Lắc 0,5 g bột dược liệu với 3 ml ethanol 90% (TT) để lắng. Nhỏ 3 - 4 giọt dịch chiết ethanol lên giấy lọc. Để khô, trên giấy lọc còn lại vết màu vàng. Tiếp tục nhỏ từng giọt dung dịch acid boric 5% (TT) rồi dung dịch acid hydrocloric loãng (TT), làm như vậy vài lần và hơ nóng cho khô, vết vàng sẽ chuyển thành màu đỏ. Sau đó thêm 3 giọt dung dịch amoniac 10% (TT), sẽ tiếp tục chuyển sang màu xanh đen. Sắc ký lớp mỏng Tiến hành trên bản mỏng silica gel tráng sẵn GF254 (Merck); hệ dung môi pha động cloroformacid acetic (9:1). Triển khai xong, lấy bản mỏng ra để bay hơi hết dung môi, phun lên bản mỏng dung dịch gồm 15 ml dung dịch acid boric 3% trộn với 5 ml dung dịch acid oxalic 10%. So sánh số lượng và cường độ quan sát dưới ánh sáng thường và dưới đèn UV 254 nm. Trên sắc ký đồ, dung dịch thử phải có 3 vết cùng màu sắc và giá trị Rfvới 3 vết của curcumin chuẩn(3) . Thẩm định quy trình định lượng Theo hướng dẫn của Bộ Y tế và ICH gồm các chỉ tiêu: tính phù hợp của hệ thống, tính đặc hiệu, khoảng tuyến tính, độ lặp lại, độ đúng. Khảo sát hàm lượng curcumin trong các mẫu nghiên cứu bằng phương pháp đo UV-Vis Cân chính xác 250 mg mẫu thử cho vào giấy lọc gói lại, chiết soxhlet với 200 ml aceton, nhiệt độ 50°C và chiết trong 6 giờ. Chuyển hết dịch chiết vào bình định mức 50 ml, thêm dung môi tới vạch. Hút chính xác 1 ml dung dịch chiết trên cho vào bình định mức 10 ml, điền dung môi tới vạch. Đem dung dịch này đo quang UV-Vis trên hệ thống máy quang phổ UV - Vis Shimadzu 2401-PC ở bước sóng 420 ± 1 nm; mẫu trắng là aceton. Tiến hành đo mỗi mẫu 3 lần, lấy kết quả trung bình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, định lượng curcumin bằng phương pháp đo quang UV-Vis ở bước sóng 420 nm, sử dụng dung môi aceton trong chiết sohxlet. Quy trình đã được thẩm định đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn của ICH về khoảng tuyến tính của curcumin là 1 - 4 µg/ml, độ lặp lại RSD là 1,75%, độ đúng với tỉ lệ hồi phục 91,3 – 103,2%. Khảo sát hàm lượng curcumin của các mẫu nghệ: cho thấy mẫu nghệ từ Đắk lắk cho hàm lượng cao có thể sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng (5,50%). Riêng mẫu tinh bột nghệ làm bằng phương pháp thủ công thì hàm lượng curcumin giảm đi đáng kể (0,18%). Đề tài đã sử dụng các phương pháp định tính bằng cảm quan, hóa học, sắc ký lớp mỏng và định lượng bằng phương pháp UV-VIS để khảo sát hàm lượng curcumin có trong bột nghệ, tinh bột nghệ và một số chế phẩm nghệ trên thị trường. Kết quả cho thấy hàm lượng curcumin trong các mẫu nghiên cứu thay đổi theo điều kiện thổ nhưỡng và quy trình chế biến.
ctngoc
Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019