SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu thành phần hóa học từ lá trứng cá

[24/04/2020 15:08]

Nghiên cứu do đồng tác giả Lê Thị Thu Hồng - Khoa Dược, Đại học Lạc Hồng và Võ Văn Lẹo - Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện nhằm mục tiêu chiết xuất, phân lập, xác định cấu trúc hóa học các chất từ lá Trứng cá (Muntingia calabura L.).

Ảnh minh họa.

Cây Trứng cá (Mungtingia calabura L.) có nguồn gốc nhiệt đới châu Mỹ. Ở Việt Nam cây Trứng cá được trồng rộng rãi. Flavonoid là thành phần hóa học chính được phân lập từ lá Trứng cá. Từ lâu ở Việt Nam lá Trứng cá được sắc uống để lợi kinh và trị các bệnh về gan(9) . Trên thế giới có nhiều nghiên cứu về tác dụng của lá Trứng cá như kháng khuẩn, kháng viêm, độc tế bào và hoạt tính chống oxy hóa. Ở Việt Nam chưa có nhiều công bố về các chất phân lập đươc từ cây Trứng cá.

Nguyên liệu là lá của cây Trứng cá (10 kg) thu hái tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào tháng 6/2017. Mẫu dược liệu đã được TS. Võ Văn Chi, nguyên giảng viên Bộ môn Dược liệu, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh định danh, xác định tên khoa học là Muntingia calabura L., thuộc họ Trứng cá (Muntingiaceae). Mẫu nghiên cứu hiện đang được lưu giữ tại Bộ môn Dược liệu, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với mã MC-01. Dung môi sử dụng trong nghiên cứu là các dung môi đạt tiêu chuẩn tinh khiết dùng trong phân tích hợp chất tự nhiên, bao gồm ethanol, methanol, n-hexan, chloroform và ethyl acetat, nguồn gốc Trung quốc. Sắc ký lớp mỏng thực hiện trên bản mỏng silica gel F254 (Merck). Phát hiện bằng đèn UV ở 2 bước sóng UV 254 nm, UV 365 nm, thuốc thử VS (vanillin sulphuric) và thuốc thử FeCl3 5% trong cồn. Sắc ký cột tiến hành với silica gel pha thuận, Trung Quốc, cỡ hạt 0,040-0,063 mm. Phổ khối (ESI-MS) được đo trên máy ALIGENT 1100 MC-LSD Trap của Viện công nghệ hóa học. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR): 1 H-NMR, 13C-NMR, DEPT, HSQC, HMBC được đo trong dung môi DMSO-d6 trên máy Bruker AM 500 FT-NMR spectrometer của Viện hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Bột khô (10 kg) được chiết ngấm kiệt bằng ethanol 80%. Cô thu hồi dung môi, thu được 1,5 lít cao toàn phần, để lạnh loại chlorophyll. Cao toàn phần sau khi loại chlorophyll được thêm nước, lắc phân bố với các dung môi có độ phân cực tăng dần: n-hexan, chloroform, ethyl acetat. Cô thu hồi dung môi thu được các cao: hexan (8,02 g), chloroform (40,06 g), ethyl acetat (216,26 g). Tiến hành sắc ký cột nhanh với 60 g cao phân đoạn ethyl acetat thu được 15 phân đoạn (PĐ 1-15). Tủa từ phân đoạn PĐ5, 7, 14 được lọc rửa, kết tinh lại trong methanol thu được hợp chất 1 (232 mg), 2 (870 mg), 3 (90 mg). Phân đoạn 15 được triển khai qua sắc ký cột cổ điển với hệ dung môi chloroform-methanol với tỉ lệ methanol tăng dần thu được 8 phân đoạn 15A-15H. Từ phân đoạn 15E thu được hợp chất 4 (25 mg).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, từ 10 kg bột dược liệu chiết ngấm kiệt, loại chlorophyll, lắc phân bố lỏng-lỏng, loại dung môi thu được cao n-hexan (8,02 g), chloroform (49,06 g), ethyl acetat (261,26 g). Từ 60 g cao ethyl acetat phận lập được 2 flavonoid và 2 hợp chất phenol lần lượt là: quercetin (232 mg), isoquercitrin (25 mg) , acid gallic (870 mg)  và davidiin (90 mg). Davidiin và isoquercitrin lần đầu tiên được phân lập từ lá Trứng cá.

ctngoc

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài