SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) của Streptomyces X285 trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei)

[24/04/2020 15:32]

Nghiên cứu do các tác giả Võ Hồng Phượng, Lê Hồng Phước, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Ngọc Tĩnh, Đặng Ngọc Thùy, Trần Minh Trung, Võ Bích Xoàn, Cao Vĩnh Nguyên – Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, tác giả Phạm Thị Huyền Diệu – Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Bệnh hoại tử gan tụy cấp là một trong những bệnh nguy hiểm hàng đầu bởi khả năng lây nhiễm nhanh chóng trong thời gian từ 10 đến 30 ngày sau khi thả tôm vào ao mới. Nguyên nhân bệnh được xác định là do vi khuẩn V. parahaemolyticus đã bị nhiễm một loại thể thực khuẩn có chứa plasmid pVA3 - mang gen gây độc PirA và PirB có thể gây tỷ lệ chết lên đến 100% trên tôm.

Các biện pháp thông thường được sử dụng để kiểm soát dịch bệnh là các hóa chất tổng hợp và kháng sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mang lại chúng còn có những tác động tiêu cực như khả năng tích lũy trong môi trường sống cũng như trong cơ thịt của sản phẩm thủy sản. Từ đó gây hiện tượng kháng thuốc đối với các chủng vi sinh vật, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng và cũng là rào cản thương mại xuất khẩu. Trái lại, các sản phẩm probiotic mang lại những lợi ích tích cực đã được chứng minh với khả năng loại trừ các vi sinh vật gây bệnh thông qua cạnh tranh bám dính trong đường ruột, cạnh tranh dinh dưỡng, sản xuất các hợp chất ức chế, tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện chất lượng nước. Các chi Streptomyces có lợi có thể được coi là các vi khuẩn probiotic tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản với khả năng chuyển hóa thứ cấp, sinh tổng hợp kháng sinh, các chất kháng khuẩn, tạo ra một số enzym ngoại bào, hỗ trợ tăng trưởng của các vi sinh vật và đảm bảo chất lượng nước. You và ctv (2007) cũng đã chứng minh Streptomyces albus có khả năng sản xuất các hợp chất ức chế và các chất chuyển hóa liên quan đến sự hình thành màng sinh học của các tác nhân gây bệnh như Vibrio harveyi, V. vulnificus và V. anguillarum.

Bên cạnh đó một số Streptomyces được sử dụng đơn hoặc kết hợp với các chi khác như Bacillus và Lactobacillus có khả năng cải thiện các thông số tăng trưởng điều hòa khí chủ và hệ vi sinh vật trong nước cũng như tăng khả năng đề kháng với mầm bệnh. Các nhóm Streptomyces RL8 và Bmix-StrepMix cho tỉ lệ sống trên tôm gần 95% khi công cảm nhiễm với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus CAIM 170 (Nguyễn Xuân Cảnh và ctv, 2016) đã phân lập xạ khuẩn 25,2 đối kháng với parahaemolyticus  với đường kính vòng kháng 15mm. Trong khi đó Ngô Thị Tường Châu và ctv, 2016 cho rằng chủng Streptomyces được phân lập từ các ao nuôi tôm Thừa Thiên - Huế có khả năng đối kháng với chủng vi khuẩn Bibrio sp. V7 và V10 là nguyên nhân gây bệnh ở các ao nuôi tôm Thừa Thiên Huế với đường kháng khuẩn lần lượt là 40mm và 36mm. Ngoài ra, tác giả này cũng đánh giá chủng Streptomyces A8 có khả năng ức chế mạnh với vi khuẩn V. paraheamolyticus V6 là tác nhân gây bệnh AHPND trên tôm tại Thừa Thiên - Huế. 

Các nghiên cứu trong và ngoài nước chủ yếu tập trung trong phân lập và đánh giá khả năng đối kháng với V. paraheamolyticus bằng phương pháp khuếch tán trên đĩa thạch và chưa có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chi Streptomyces trong phòng bệnh AHPND trên tôm. Do đó việc phân lập thử nghiệm chủng Streptomyces  X285 ức chế sự phát triển của V. paraheamolyticus bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm là một nghiên cứu nhằm sàng lọc và cung cấp thêm các chủng giống vi sinh vật có khả năng hạn chế bệnh AHPND.

Qua thời gian thực hiện, kết quả nghiên cứu cho thấy Streptomyces X285 được phân lập thành công từ bùn đáy ao nuôi tôm lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. Chủng vi khuẩn này có khả năng đối kháng với V. parahaemolyticus trên đĩa thạch hai lớp với vòng kháng khuẩn là 49 mm. Ngoài ra, trong điều kiện thí nghiệm, chủng X285 (15 hạt đến 40 hạt/50 mL) có khả năng ức chế sự phát triển của V. parahaemolyticus ở mật độ 106 CFU/mL sau 36 giờ đồng nuôi cấy. Ngoài ra, khi tôm được cho ăn thức ăn phối trộn X285 với mật độ 108 CFU/g liên tục trong 15 ngày, tỷ lệ tôm chết giảm với tỷ lệ bảo hộ (RPS%) trên 50% sau 10 ngày gây nhiễm bằng V. parahaemolyticus. Hơn nữa, X285 có thể tiết ra một số enzyme như amylase, protease, lipase và cellulose. Chính vì thế, Streptomyces X285 được xem là vi khuẩn có tiềm năng sử dụng làm chủng vi sinh trong sản xuất chế phẩm sinh học nhằm hạn chế bệnh AHPND.

Vân Anh

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Số 21/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ