SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả giảm đau vết mổ của điện châm nhóm huyệt tứ mãn, đới mạch, địa cơ, tam âm giao với sản phụ sau mổ lấy thai

[24/04/2020 17:11]

Nghiên cứu do đồng tác giả Đặng Thanh Thế - Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai và Nguyễn Thị Sơn - Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Đau sau mổ lấy thai là một triệu chứng quan trọng cần phải điều trị vì phẫu thuật này tuy có mức độ đau khác nhau ở từng sản phụ nhưng thường có mức độ đau nhiều và kéo dài ít nhất 2 ngày sau mổ hoặc lâu hơn. Hiện nay giảm đau đa mô thức – kết hợp giữa phương pháp sử dụng và không sử dụng thuốc đang là xu hướng của thế giới vì đạt được hiệu quả giảm đau đồng thời giảm liều, giảm tác dụng phụ của các thuốc giảm đau và tăng sự hài lòng của người bệnh. Trong đó châm cứu giảm 30 – 35% lượng thuốc sử dụng so với nhóm chứng và giảm tác dụng phụ của opiad như chóng mặt, buồn nôn. Sản phụ sau mổ lấy thai thường đau nhiều do vừa trải qua một cuộc phẫu thuật lớn, xâm lấn nhiều, vì vậy một phương pháp giảm đau hiệu quả, không dùng thuốc, ít tác dụng phụ sẽ là phương pháp tối ưu. Điện châm là dùng dòng điện nhất định tác động lên các huyệt để phòng và chữa bệnh, là phương pháp kết hợp chặt chẽ giữa chữa bệnh bằng châm cứu với chữa bệnh bằng dòng điện. Phương pháp này đã được một số nghiên cứu cho thấy có tác dụng giảm đau sau mổ, tính an toàn cao và ít có tác dụng phụ.

Nghiên cứu nhằm mục tiêu so sánh hiệu quả giảm đau vết mổ lấy thai của nhóm điện châm với nhóm chứng trong 72 giờ sau mổ thông qua giảm lượng thuốc giảm đau cần sử dụng.

Đoàn hệ, so sánh 2 nhóm chứng và không mù. Nghiên cứu trên 64 sản phụ có chỉ định mổ lấy thai, theo dõi lượng thuốc giảm đau sử dụng trong 72 giờ, chia thành 2 nhóm: Nhóm chứng: 32 sản phụ, sử dụng thuốc giảm đau sau mổ. Nhóm can thiệp: 32 sản phụ, sử dụng thuốc giảm đau kết hợp với điện châm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm can thiệp giảm được 14% lượng diclofenac cần sử dụng trong 24 giờ đầu sau mổ so với nhóm chứng, p < 0,016. Và giảm được 24,50% lượng paracetamol cần dùng trong 24 – 72 giờ sau mổ so với nhóm chứng, p < 0,0001. Điện châm có hiệu quả giảm đau vết mổ sau mổ lấy thai thông qua giảm lượng thuốc giảm đau diclofenac và paracetamol sử dụng sau mổ.

dtphong

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài