SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả trên biểu hiện il-1β và il-10 của năm bài thuốc dân gian thu thập tại tỉnh Sóc Trăng

[24/04/2020 17:20]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Đức Thắng, Nguyễn Văn Đàn, Bùi Chí Bảo và Trịnh Thị Diệu Thường - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Viêm là phản ứng tại chỗ của cơ thể do các mô bị kích thích hoặc tổn thương, một đáp ứng miễn dịch cần thiết của vật chủ nhằm loại bỏ mầm bệnh và ngăn ngừa tổn thương cơ quan sau khi nhiễm trùng. Ngày nay, nhờ sự phát triển của y học con người đã có những hiểu biết sâu hơn về cơ chế phân tử của viêm. Dưới điều kiện sinh lý, các chất trung gian do đại thực bào bị kích thích tiết ra được điều hòa tốt và có liên quan đến các quá trình phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, trong một số bệnh nhiễm trùng, việc sản xuất quá mức nitric oxide (NO) và biểu hiện cao của cytokin gây viêm thường là nguyên nhân gây tổn thương mô, thay đổi huyết động, suy tạng và tử vong. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của các thuốc kháng viêm. Do vậy, nghiên cứu các nhóm thuốc kháng viêm mới hiệu quả tốt, ít tác dụng phụ, đặc biệt có nguồn gốc từ thảo dược là xu hướng hiện nay nhằm ứng dụng trong điều trị bệnh nhiễm trùng. Ở nước ta, 5 bài thuốc dân gian thu thập tại tỉnh Sóc Trăng được sử dụng điều trị một số bệnh lây nhiễm như viêm phế quản, viêm gan, viêm bàng quang với hiệu quả tốt nhưng tác dụng kháng viêm của bài thuốc lại chưa được đánh giá và kiểm chứng trên thực nghiệm. Do đó, chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mục tiêu kiểm tra sàng lọc tính kháng viêm của 5 bài thuốc trên.

Nghiên cứu cao chiết nước của 5 bài thuốc dân gian thu thập tại tỉnh Sóc Trăng. Dòng tế bào monocyte được phân lập từ máu ngoại vi người bình thường và dòng tế bào đại thực bào RAW 264.7 của chuột được gây viêm bằng lipopolysaccharide, sau đó được xử lý bằng cao chiết nước của 5 bài thuốc. Tiến hành đánh giá mức độ kháng viêm của cao chiết các bài thuốc dựa trên biểu hiện cytokin gây viêm Interleukin 1β (IL-1β) và cytokin kháng viêm Interleukin 10 (IL10) đo bằng phương pháp dòng chảy tế bào.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao chiết nước của cả 5 bài thuốc đều làm giảm có ý nghĩa thống kê sự biểu hiện của cytokin IL-1β khi được đưa vào trong tế bào. Lặp lại thí nghiệm trên, với thước đo cho IL-10, chúng tôi thấy bài thuốc 1, 3, 4 và 5 làm tăng biểu hiện của cytokin kháng viêm này nhưng bài thuốc 2 lại không cho hiệu quả như ban đầu mong đợi, khi sự tăng IL-10 không rõ ràng, thậm chí rất thấp ở lô chỉ được xử lý với cao chiết nước của bài thuốc. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng 5 bài thuốc dân gian thu thập tại tỉnh Sóc Trăng đều có tác dụng kháng viêm thông qua cơ chế làm giảm tiết IL-1β và tăng tiết IL-10 của các đại thực bào sau khi kích hoạt bằng LPS. Kết quả của nghiên cứu cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu giá trị cho việc tiếp tục xác định các thành phần hóa học có hoạt tính, là nền tảng để phát triển những loại thuốc kháng viêm mới.

ctngoc

Tạp chí Y học TP Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ