SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sinh trưởng, năng suất và hoạt tính sinh học của bốn giống nghệ vàng (Curcuma longa L.)

[06/05/2020 10:50]

Nghiên cứu do các tác giả Lưu Thái Danh, Bùi Thị Cẩm Hường, Tiết Bảo Long, Dương Thị Ngọc Thoa, Nguyễn Hoàng Hôn, Võ Công Thành, Nguyễn Trọng Tuân – Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.

Nghệ vàng (Curcuma longa L.) thuộc họ gừng Zingiberaceae, đã được sử dụng từ lâu như một loại gia vị, chất bảo quản và chất tạo màu trong thực phẩm. Đặc biệt nghệ được sử dụng như một loại thảo dược để điều trị bệnh ở nhiều nơi trên thế giới, như các bệnh về da, gan và tiêu hóa, u nhọt, viêm khớp và cảm cúm (Singletary, 2010). Các hoạt chất chính trong củ nghệ quyết định cho các công dụng trên có thể được phân loại thành hai nhóm chính: hợp chất không bay hơi và hợp chất bay hơi.

Nhóm các hợp chất không bay hơi hay được gọi chung là curcumin, demethoxycurcumin và bisdemethoxycurcumin, trong đó curcumin đã được ứng dụng nhiều trong y học hiện đại, do có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng curcumin có nhiều hoạt tính sinh học như khả năng chống oxy hóa, chống đột biến, chống ung thư, kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng ký sinh trùng và có khả năng giải độc (Akamine et al., 2007). Các thành phần bay hơi được gọi chung là tinh dầu nghệ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tinh dầu nghệ có tính chống oxy hóa, kháng vi sinh, diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa đột biến gen, có khả năng trị bệnh nấm da và các bệnh về đường hô hập (Jayaprakasha et al., 2002). Vì vậy, tiềm năng ứng dụng curcumin và tinh dầu nghệ trong điều trị bệnh ở người là rất lớn.

Việt Nam có nhiều giống nghệ vàng được trồng ở nhiều nơi từ Nam ra Bắc. Các giống nghệ khác nhau sẽ có năng suất củ, curcumin và tinh dầy khác nhau. Việc tìm tra giống nghệ vàng có năng suất cao sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về các hoạt chất chính của nghệ trong sản xuất dược phẩm. Tuy nhiên, hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về so sánh các đặc tính sinh trưởng, năng suất củ, curcumin, tinh dầu và hoạt tính sinh học từ tinh dầu của các giống nghệ ở đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đề tài được thực hiện nhằm so sánh ba giống nghệ (Phú Quốc, Thái và Cần Thơ) với các giống nghệ Xà Cừ, giống được trồng phổ biến ở các tỉnh phía Nam, về các đặc tính nêu trên.

Vật liệu dùng trong nghiên cứu là bốn giống nghệ vàng (Curcuma longa L.) được thu thập từ các địa phương chuyên canh tác nghệ. Giống nghệ Cần Thơ được thu thập tại Cái Răng, Cần Thơ, củ có kích thước nhỏ và màu vàng nhạt. Giống nghệ Phú Quốc được thu thập tại Phú Quốc, Kiên Giang, củ có màu vàng đậm và kích thước to. Giống nghệ Thái được thu thập tại Thất Sơn, An Giang, củ có màu vàng đậm và kích thước nhỏ. Giống nghệ Xà Cừ được thu thập tại Thất Sơn, An Giang, củ có màu vàng cam và kích thước tương đối to. Bốn giống nghệ được trồng trong chậu trong điều kiện nhà kính tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy nghệ Phú Quốc có chiều cao thân giả, đường kính thân giả, kích thước lá và năng suất củ lớn nhất, kế tiếp là nghệ Thái, Xà Cừ và nghệ Cần Thơ. Về hàm lượng và năng suất tinh dầu, nghệ Phú Quốc cao nhất và gấp khoảng 2 lần so với nghệ Xà Cừ, trong khi nghệ Cần Thơ thấp nhất. Nghệ Phú Quốc có hàm lượng và năng suất curcumin cao nhất và gấp khoảng 2 lần so với nghệ Xà Cừ. Arturmerone, α-turmerone và β-turmerone là các thành phần chính trong tinh dầu của nghệ Phú Quốc, Thái và Xà Cừ với tổng hàm lượng khoảng 67,2- 69,5%, trong khi tinh dầu nghệ Cần Thơ có tổng hàm lượng thấp khoảng 31,9%. Tinh dầu nghệ Phú Quốc và Thái có khả năng chống oxy hóa tương đương với nghệ Xà Cừ; tinh dầu của nghệ Thái, nghệ Cần Thơ và nghệ Phú Quốc có khả năng kháng tốt hơn so với tinh dầu nghệ Xà Cừ lần lượt đối với vi khuẩn Escherichia coli, vi khuẩn Pseudomonas aergonosa và nấm Candida albicans. Tóm lại, nghệ Phú Quốc có đặc tính sinh trưởng, năng suất củ, hàm lượng curcumin và tinh dầu vượt trội hơn so với giống đối chứng Xà Cừ.

Vân Anh

Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn số 24/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài