PGS.TS Vương Ngọc Lan: Mang hy vọng mới cho bệnh nhân hiếm muộn
Tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm; tăng tỉ lệ phôi sống sau rã đông 99%... là những thành tựu quan trọng, nổi bật nhất mà PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự thuộc Khoa Y Dược, Đại học Y Dược TPHCM đạt được với công trình nghiên cứu được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan mang lại hy vọng mới cho bệnh nhân hiếm muộn.
PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: “Công trình nghiên cứu của chúng tôi là công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới chứng minh việc chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tương đương với chuyển phôi tươi trên bệnh nhân thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang”.
Trước đây, trên thế giới thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm luôn luôn phải thực hiện chuyển phôi tươi bởi vì kỹ thuật đông lạnh phôi chưa có hiệu quả. Tuy nhiên, việc chuyển phôi tươi có thể khiến bệnh nhân bị quá kích buồng trứng hoặc nhiều bệnh nhân có thể bị đa thai. Năm 2016, một nhóm nghiên cứu Trung Quốc chứng minh được rằng chuyển phôi đông lạnh có hiệu quả tốt hơn chuyển phôi tươi ở bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm mà không bị hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ thực hiện trên nhóm bệnh nhân nhỏ. Công trình nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi trữ với chuyển phôi tươi với các bệnh nhân không có hội chứng buồng trứng đa nang của PGS. TS. Vương Thị Ngọc Lan và các cộng sự thuộc Khoa Y Dược, Đại học Y Dược TPHCM được thực hiện trên nhóm bệnh nhân đại trà, giải thích cho bệnh nhân thấy được sự khác biệt giữa của việc chuyển phôi đông lạnh và chuyển phôi tươi.
Công trình này khi được công bố trên tạp chí The New England Journal of Medicine (NEJM) đã góp phần làm thay đổi thực hành thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới, tức là không cần thực hiện chuyển phôi tươi tất cả các bệnh nhân khi đi thụ tinh trong ống nghiệm. “Chúng ta có thể đông lạnh phôi lại và giảm số phôi chuyển xuống, mỗi lần chỉ cần chuyển 1 phôi. Phương pháp này giảm nguy cơ kích thích buồng trứng, giảm nguy cơ đa thai cho bệnh nhân”, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết.
Bên cạnh đó, từ công trình nghiên cứu cũng có thể hướng dẫn cho người bệnh không cần thực hiện chuyển phôi đông lạnh cho tất cả các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm bởi lẽ việc chuyển phôi đông lạnh sẽ làm tăng thêm chí phí và kéo dài hơn thời gian điều trị cho bệnh nhân.
Nói về ý nghĩa của công trình, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết, mỗi năm trên thế giới là có khoảng 2 triệu trường hợp có nhu cầu thụ tinh trong ống nghiệm và có khoảng 3 triệu trường hợp thực hiện chuyển phôi. Tại Việt Nam, mỗi năm ước tính có khoảng 30.000 trường hợp thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm và 40.000 trường hợp thực hiện chuyển phôi. Vì vậy, việc tìm ra câu trả lời về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm giúp cho bác sĩ và bệnh nhân có định hướng rõ ràng để việc chuyển phôi được thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.
Một đóng góp nữa của công trình là việc triển khai thành công kỹ thuật thủy tinh hóa trong thực hiện đông lạnh phôi, đây là một quy trình kỹ thuật khá mới mẻ nâng cao tỉ lệ sống của phôi sau rã đông, cao đến khoảng 99%.
Bên cạnh đó, công trình đã xây dựng được đội ngũ thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng một cách chuẩn mực, theo đúng chuẩn quốc tế. PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan cho biết: “Trong quá trình thực hiện nghiên cứu này, chúng tôi đã kết hợp với nhiều nhóm nghiên cứu trên thế giới, chúng tôi còn có đội giám sát an toàn dữ liệu gồm các GS người Hà Lan, người Anh. Quá trình làm việc cùng với đội ngũ quốc tế như vậy đã cải thiện cái chất lượng của nghiên cứu và chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm để có thể triển khai được những công trình nghiên cứu có chất lượng cao, công bố trên những tạp chí quốc tế”.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nghiên cứu khoa học, PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan cho rằng, khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu khoa học là chất lượng nghiên cứu. Khi bắt tay vào nghiên cứu một vấn đề gì đó thì cần đặt ra câu hỏi là phải tổ chức như thế nào cho thật chất lượng. Những vấn đề như kinh phí cho nghiên cứu, nhân sự, quỹ thời gian dành cho nghiên cứu (trường đại học thì có quy định về giờ nghiên cứu)… cũng tạo lên những áp lực khác nhau.
“Thêm một khó khăn nữa là sự hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu. Ở Việt Nam, sự hợp tác này cũng chưa thực sự đồng bộ và mang lại hiệu quả. Để theo đuổi được nghiên cứu khoa học, theo tôi có nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất là động lực làm nghiên cứu, một khi mình đã có động lực đủ lớn thì chắc chắn các khó khăn còn lại mình sẽ vượt qua”. PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan chia sẻ.
Thu Cúc