Khảo sát tác động kháng Staphylococcus aureus của phối hợp dẫn chất Acid Carboxylic của 2-Salicyloylbenzofuran và một số kháng sinh
Nghiên cứu do các tác giả Vũ Thanh Thảo, Trần Cát Đông, Phạm Ngọc Tuấn Anh - Khoa Dược, TRường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm đánh giá tác động kháng Staphylococcus aureus của phối hợp dẫn chất acid carboxylic của 2-salicyloylbenzofuran và một số kháng sinh.
Vấn đề đề kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt ở các nước đang phát triển với gánh nặng của các bệnh nhiễm khuẩn. Các bệnh nhiễm khuẩn có tỉ lệ mắc cũng như tử vong cao và việc kiểm soát các loại bệnh này chịu tác động của tình trạng đề kháng kháng sinh. Trong các chủng đề kháng kháng sinh thì Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA) là tác nhân chính gây các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm trên da, mô mềm, xương, đường hô hấp và máu.Tại Mỹ, MRSA gây ra khoảng 90.000 ca bệnh và ước tính khoảng 19.000 trường hợp tử vong trong năm 2005. Tại Châu Âu, MRSA liên quan tới hơn 150.000 bệnh nhân nhiễm trùng và làm tăng chi phí điều trị lên tới 380 triệu euro mỗi năm. Do đó, việc nhiễm vi khuẩn này hiện là vấn đề nghiêm trọng trên lâm sàng nên việc kiểm soát và điều trị chủng MRSA được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách của hệ thống y tế trên toàn thế giới.
Nghiên cứu này nhằm mục tiêu đánh giá tác động kháng S. aureus của phối hợp dẫn chất acid carboxylic của 2-salicyloylbenzofuran và một số kháng sinh. Đối tượng của nghiên cứu: là các phối hợp dẫn chất acid carboxylic của 2-salicyloylbenzofuran với kháng sinh ampicillin, cefuroxim, ciprofloxacin, gentamicin và vancomycin. MIC của chất thử và kháng sinh được xác định bằng phương pháp pha loãng trong thạch. Định tính tác động hiệp đồng kháng khuẩn trên phiến 96 giếng, trong đó mỗi giếng chứa ½MIC của kháng sinh và dẫn chât 2-salicyloylbenzofuran. Định lượng khả năng hiệp đồng kháng khuẩn bằng phương pháp bàn cờ.
Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy dẫn chất acid carboxylic của 2-salicyloylbenzofuran 1a–f sở hữu hoạt tính kháng khuẩn yếu trên các chủng S. aureus với MIC = 32 – 1024 µg/mL. Kết quả đánh giá khả năng hiệp đồng kháng khuẩn đã phát hiện được 6 phối hợp cho kết quả (+) trong đó phối hợp 1e + gentamicin cho tác động hiệp đồng (FICI = 0.375) trên MRSA ATCC 33591, 1c + ciprofloxacin/gentamicin, 1f + ciprofloxacin cho tác động hiệp đồng một phần trên MRSA ATCC 33591 với FICI lần lượt là 0.75, 0.625, 0.625 và tác động cộng hợp (FICI = 1.0) trên chủng MRSA ATCC 43300 của phối hợp 1b + cefuroxim/gentamicin. Các phối hợp này đều làm tăng hoạt tính của các kháng sinh lên 2 - 4 lần.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, các dẫn chất acid carboxylic của 2-salicyloylbenzofuran sở hữu hoạt tính kháng khuẩn yếu nhưng khi phối hợp với các kháng sinh đã cho các tác động hiệp đồng với FICI = 0.375–1.0. Các phối hợp này làm tăng hoạt tính của các kháng sinh lên 2 – 4 lần, qua đó cho thấy tiềm năng của các dẫn chất này trong việc sử dụng phối hợp với kháng sinh để làm tăng hoạt lực kháng khuẩn trên các chủng đề kháng kháng sinh MRSA.
Vân Anh
Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ bản tập 23 - Số 2- 2019)