SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hiệu quả ứng dụng công nghệ Micro-nano Bubble Oxygen trong ao ương cá tra từ bột đến hương

[14/05/2020 09:01]

Nghiên cứu: “Hiệu quả ứng dụng công nghệ Micro-nano Bubble Oxygen trong ao ương cá tra từ bột đến hương” do nhóm tác giả: Châu Hữu Trị - Trung tâm Khuyến Nông Bến Tre; Thới Ngọc Bảo , Đỗ Văn Hoàng , Phan Thanh Lâm - Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II thực hiện.

Các nghiên cứu về tác dụng của các bọt khí có kích thước nhỏ hoặc siêu nhỏ đang được quan tâm nhiều trong những năm gần đây, đặc biệt là ở Nhật Bản (Tsuge, 2014). Công nghệ Micro-Nano bubble lần đầu tiên được nghiên cứu thử nghiệm trong nuôi trồng thủy sản tại Nhật Bản tại các mô hình nuôi hàu và điệp quạt (Nakayama, 2006). Theo đó, tốc độ tăng trưởng của các đối tượng nuôi được cải thiện do đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan luôn ở mức tối ưu trong suốt quá trình nuôi. Ohnari (2007) đã chế tạo thiết bị tạo bọt khí cỡ micro và đem áp dụng vào nuôi hàu ở Hiroshima, điệp quạt ở Hokkaido và trai ngọc tại Mie Prefecture; và kết quả cho thấy tốc độ tăng trưởng của các đối tượng này được cải thiện. Ở Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng công nghệ Micro-nano trong nuôi tôm được Công ty TNHH Công nghệ HTC bắt đầu thực hiện năm 2014. Đến nay, Công ty TNHH Công nghệ HTC đã nghiên cứu và chế tạo thành công thiết bị tạo bọt khí cỡ nhỏ và siêu nhỏ bằng nhựa gọi là Micro-Nano bubble Oxygen (MNO) và đã được ứng dụng nuôi thử nghiệm tại nhiều cơ sở ở một số vùng nuôi và cũng đã thu được các kết quả ban đầu rất khả quan (Hoàng Tùng, 2016). Từ đầu năm 2016, Công ty TNHH Công nghệ HTC hợp tác với Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận ở Bến Tre để sản xuất và giới thiệu sản phẩm này. Khi thử nghiệm ở ao nuôi tôm 5.000 m2 , sử dụng 3 máy tạo MNO cho kết quả tốt, hàm lượng oxy hòa tan tối thiểu vào buổi sáng sớm ở mức trên 6 mg/L so với mức yêu cầu 4 mg/L. Việc luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan giúp đối tượng nuôi không bị stress, khỏe mạnh và có tốc độ tăng trưởng tốt. Cùng đó, khi ứng sử dụng thiết bị MNO thì pH ổn định, màu nước ao khá bền trong suốt vụ nuôi. Trong thực tiễn, bọt khí cỡ nano có thể giúp tách các chất ô nhiễm ra khỏi môi trường nước, đặc biệt là chất béo và được cho là ảnh hưởng rất nhiều đến độ pH của nước. Theo Marui (2013) khi các bọt khí cỡ micro hoặc nano khi bị teo nhỏ lại rồi vỡ ra sẽ phóng thích nhiều gốc tự do, có khả năng diệt khuẩn, khử mùi hôi. Hơn nữa, theo Công ty TNHH Công nghệ HTC thì công nghệ MNO khi được ứng dụng vào nuôi thủy sản sẽ mang lại một số lợi ích sau:

-   Tạo ra rất nhiều oxy là nhân tố hủy diệt các loại vi khuẩn và các loại nấm gây các bệnh nguy hiểm vật nuôi

-  Tạo dư oxy làm kết lắng các loại phèn trong nước như phèn sắt, phèn nhôm và các kim loại nặng

-   Trung hòa amoniac và các loại khí độc khác (phản ứng hóa học hoặc sinh hóa với sự tham gia của các vi khuẩn hiếu khí); iv) giúp phát triển và kéo dài chu kỳ sinh trưởng của các loại tảo có lợi

-   Giúp các loại vi khuẩn hiếu khí có lợi phát triển tốt. Như vậy, máy MNO có nhiều tính ưu việt có thể hỗ trợ và ứng dụng tốt cho việc nuôi thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Công nghệ bọt khí MNO có thể xem là một trong các giải pháp tối ưu giúp người nuôi trồng thủy sản thành công.

Ứng dụng công nghệ Micro-nano Bubble Oxygen (MNO) trong ao ương cá tra giai đoạn cá bột lên cá hương với mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất giống cá tra. Nghiên cứu này được thực hiện tại Trại nuôi thủy sản Thạnh Phú thuộc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Huy Thuận từ tháng 7/2018 đến tháng 2/2019. Các thí nghiệm được bố trí trong ao đất diện tích 2.000m2 với mật độ ương 500 và 750 con/m2 , mỗi nghiệm thức có 03 ao thí nghiệm ứng dụng công nghệ MNO và 01 ao đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy hàm lượng oxy hòa tan trong các ao có sử dụng máy MNO dao động 7,42 – 8,74 mg/L cao hơn ao đối chứng (5,32-6,85 mg/L). Sau 29 ngày ương nuôi, tỷ lệ sống của cá hương ở 02 thí nghiệm loại ao mật độ 500con/m2 và 750con/m2 đạt lần lượt 31,23 – 32,32% cao hơn ao đối chứng (21,36-22,99%). Tương tự, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR của cá ở các ao thí nghiệm từ 0,56 -0,62 thấp hơn ao đối chứng (0,71- 0,76). So sánh kết quả giữa 02 mật độ ương cho thấy ao thí nghiệm với mật độ 750 con/m2 đạt năng suất trung bình là 285,65 kg/1.000m2 cao hơn các ao thí nghiệm ở mật độ 500 con/m2 là 193,35kg/1.000m2 và có hiệu quả kinh tế cao hơn so với ao đối chứng.

Ứng dụng công nghệ MNO đã đảm bảo cung cấp tốt hơn hàm lượng oxy hòa tan cho ao nuôi, và cũng góp phần giảm tiêu thụ điện trong vận hành hệ thống cung cấp oxy cho ao nuôi từ 5,0-16,14% so với ao đối chứng. Việc ứng dụng công nghệ MNO trong ao ương cá tra giai đoạn từ cá bột đến cá hương đã cho thấy những kết quả tích cực. Cần tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ MNO trong ao ương cá tra giai đoạn bột đến hương trong mùa khô từ tháng 1- 6.

ntdinh

Tạp chí nghề cá sông cửu long số 14/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ