SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát đặc điểm hình thái, thành phần hóa học và hoạt tính kháng vi sinh vật của địa y Dirinaria Applanata (FEÉ) D. D. Awasthi

[14/05/2020 10:45]

Nghiên cứu do các tác giả Phan Cảnh Trình, Võ Lê Công Tráng, Dương Nguyễn Phi Long, Nguyễn Đinh Nga - Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm khảo sát đặc điểm hình thái, xác định sơ bộ thành phần hoá học và hoạt tính kháng vi sinh vật của địa y Dirinaria applanata nhằm bổ sung dữ liệu về loài địa y này tại Việt Nam.

Địa y từ lâu được biết đến là hệ cộng sinh giữa vi nấm dị dưỡng (mycobiont) và một sinh vật tự dưỡng quang hợp thường là tảo lục hoặc vi khuẩn lam (photobiont). Chúng thực chất là một tập đoàn vi sinh vật có mối quan hệ mật thiết, tạo nên một loạt các chất chuyển hoá thứ cấp có tiềm năng ứng dụng trong trị liệu, nhưng chưa được khai thác đúng mức, đặc biệt là địa y tại các quốc gia cận nhiệt đới như Việt Nam. Thành phần các chất chuyển hoá thứ cấp ở địa y xuất phát từ ba con đường sinh hoá chính gồm: con đường axit shikimic (tạo nên các hợp chất terphenyl quinon, dẫn xuất axit tetronic), con đường axit mevalonic (tạo nên terpenoid, steroid), con đường polyketid (tạo nên depsid, depsidon, quinon, xanthon…). Các hợp chất này thường hiện diện trong địa y với hàm lượng lớn do đó được sử dụng như một chỉ dấu để nhận biết loài. Có khoảng hơn 350 hợp chất từ địa y đã được phân lập và xác định cấu trúc hoá học, các chất này thường kém tan trong nước, có thể được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ, hàm lượng chất dao động từ 0,1-10% khối lượng khô của tản, thậm chí có khi lên đến 30%.

Mặc dù địa y đã được sử dụng từ thời tiền sử, nhưng các thông tin còn rải rác, ứng dụng quan trọng nhất tập trung trong mảng điều trị bệnh ho, viêm họng, cảm sốt, viêm khớp, vàng da, khó tiêu, chán ăn, rụng tóc của các địa y thuộc chi Cladonia, Evernia, Lobaria, Parmelia, Peltigera, Pertusaria, Physica, Rocella, Usnea và Xanthoria. Nhiều quốc gia đã phát triển các sản phẩm thương mại chứa hoạt chất từ địa y như axit usnic, được sử dụng làm thuốc sát trùng tại Đức và Ý với biệt dược Camillen 60 và Gessato dạng xịt hoặc dầu xoa trị nấm móng; Isla-Moos® và Broncholind® có nguồn gốc từ Cetraria islandica cũng được phát triển tại Đức dùng trong điều trị cảm lạnh. Điểm đáng chú ý nhất là clofazimin (Lamprene), kháng sinh kháng lao, phong trong danh mục thuốc thiết yếu của WHO, được phát triển từ diploicin, một hợp chất phân lập từ địa y Buellia canescens. Hơn 50% các loài địa y được báo cáo có khả năng kháng một vi khuẩn nhất định, hoạt phổ rộng trên vi khuẩn gram dương và gram âm, nấm men, nấm sợi tuỳ thuộc vào thành phần hợp chất xuất hiện trong từng loài địa y nhất định. Các báo cáo về hoạt tính kháng khuẩn kháng nấm thường thực hiện trên cao chiết từ dung môi hữu cơ, với dung môi phổ biến nhất là methanol; giá trị nồng độ ức chế tối thiểu trong các nghiên cứu này thường dưới 20 mg/ml đối với cao toàn phần.

Tại Việt Nam, Dirinaria applanata là loài địa y phổ biến, thường phát triển trên thân cây nhưng chưa được nghiên cứu đầy đủ về đặc điểm hình thái, thành phần hoá học cũng như hoạt tính sinh học.

Nghiên cứu này nhằm khảo sát đặc điểm hình thái, xác định sơ bộ thành phần hoá học và hoạt tính kháng vi sinh vật của địa y Dirinaria applanata nhằm bổ sung dữ liệu về loài địa y này tại Việt Nam. Đối tượng dùng trong nghiên cứu là mẫu địa y được thu hái trên thân Dừa, tại tỉnh Bến Tre; xác định loài nhờ đặc điểm hình thái và các dữ liệu hoá định danh tại chỗ. Địa y được nghiền thành bột, chiết xuất với methanol, tách phân đoạn bằng sắc ký cột chân không, xác định phân đoạn có hoạt tính kháng vi sinh vật. Chất kháng khuẩn được phân lập định hướng nhờ kỹ thuật sắc ký lớp mỏng kết hợp tự sinh đồ, sau đó sắc ký cột cổ điển.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy loài địa y phân bố trên thân Dừa tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre có các đặc điểm hình thái phù hợp với mô tả về Dirinaria applanata. Cao chiết methanol từ địa y này có hoạt tính trên Staphyloccocus aureus, Streptococcus faecalis, Candida albicans, Candida tropicalis, Candida glabrata, Trichophyton rubrum và Microsporum canis. Phân đoạn mục tiêu PĐ-D-2T là chất rắn kết tinh, màu trắng, đạt độ tinh khiết sắc ký lớp mỏng, kháng Staphyloccocus aureus ATCC 43300 đề kháng methicilin, Streptococcus faecalis ATCC 29212 ở nồng độ MIC là 115 µg/ml.

Vân Anh

Tạp chí Y Học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ Bản Tập 23 - Số 2 - 2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài