SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng quy trình định lượng các flavonoid và acid clorogenic trong Nữ lang (Valeriana Hardwickii) bằng UHPLC-MS

[14/05/2020 10:53]

Nghiên cứu do các tác giả Huỳnh Lời, Nguyễn Thùy Vi - Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (SAPHARCEN), trường Đại học Y Dược Thành phố. Hồ Chí Minh, tác giả Trần Hùng - Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nhằm xây dựng quy trình định lượng các flavonoid có trong Nữ lang bao gồm linarin, neobudofficid, rhoifolin và acid clorogenic bằng phương pháp UHPLC-MS.

Nữ lang (Valeriana hardwickii Wall. Caprifoliaceae) đã được dùng từ lâu trong y học cổ truyền để điều trị mất ngủ, chống co giật, chống mệt mỏi và rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, dược liệu này còn dùng ngoài để điều trị côn trùng đốt và các bệnh ngoài da. Cho tới nay, các công trình nghiên cứu về Nữ lang chủ yếu là phân tích các thành phần bay hơi. Ngoài ra, các thành phần khác được phân lập như các iridoid, flavonoid, triterpen. Về định tính, định lượng, chưa có nhiều tài liệu công bố.

Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xây dựng quy trình định lượng các flavonoid có trong Nữ lang bao gồm linarin, neobudofficid, rhoifolin và acid clorogenic bằng phương pháp UHPLC-MS. Phương pháp xây dựng giúp cho việc kiểm nghiệm và xây dựng tiêu chuẩn cho Dược Điển Việt Nam.

Nguyên liệu dùng trong nghiên cứu là cây Nữ lang (V. hardwickii) thu hái mọc hoang tại Cổng Trời (vùng Bidoup núi Bà), thành phố Đà Lạt vào tháng 4/2015. Nguyên liệu được định danh bằng cách so sánh về mô tả hình thái thực vật với các thông tin trên các tài liệu tham khảo thực vật học chuyên ngành. Mẫu Valeriana officinalis được thu thập tại vườn dược liệu trường Vetmeduni – Vienna, Cộng hòa Áo đuợc thu vào tháng 4 năm 2015. Hệ dung môi và điều kiện MS được tối ưu hóa. Phương pháp được đánh giá với tính tương thích hệ thống, tuyến tính, độ chính xác, độ đúng, LOD và LOQ theo hướng dẫn của ICH.

Qua thời gian thực hiện, kết quả cho thấy, hệ dung môi bao gồm: nước acid formic 0,1% (A) – a. formic 0,1% trong acetonitril (B), gradient từ 90% A đến 5% A, thời gian phân tích 14 phút, tốc độ dòng là 0,7 ml/phút và nhiệt độ cột là 30oC và thể tích tiêm mẫu là 3 ml. Điều kiện phân tích khối phổ được thiết lập với thông số capillary voltage ở 0,8 kV; cone voltage là 15 eV, nhiệt độ của mao quản được duy trì ở 350 ºC. Tốc độ khí khử dung môi (desolvation gas) là 300 L/h. Phổ khối của các chất phân tích được ghi nhận ở chế độ ion dương (positive). Sắc kí đồ của các chất phân tích được theo dõi ở cả hai chế độ TIC (total ion current) (MS scan) (m/z 100-1000) và SIR (single ion recording). Chế độ SIR của acid clorogenic ở m/z 355,31; rhoifolin ở m/z 579,52; neobudofficid ở m/z 739,69; và linarin ở m/z 593,54. Tính tương thích hệ thống đạt với thông số thời gian lưu và diện tích đỉnh các pic nhỏ hơn 2%. Tính tuyến tính với R2 ~ 0,999 và khoảng tuyến tính các hợp chất có nồng độ 0,7-120 mg/ml. Kết quả cho thấy có sự lặp lại trong phương pháp phân tích bằng UHPLC-MS với RSD% < 5%. Tỷ lệ phục hồi 99-106%. Giới hạn phát hiện là của a. clorogenic, rhoifolin, neobudofficid, linarin lần lượt là 0,029; 0,0010; 0,00020; 0,015 mg/ml. Acid clorogenic có trong các bộ phận của V. hardwickii bao gồm lá là 1,76%, trong thân là 8,23% và trong rễ là 1,68%, hàm lượng các flavonoid trong lá V. hardwickii bao gồm rhoifolin là 0,86%, neobudofficid là 0,19% và linarin là 1,95%. Acid clorogenic trong rễ và lá của V. officinalis cũng được định lượng với hàm lượng lần lượt là 5,3% và 1,45%.

Từ đó cho thấy, phương pháp UHPLC-MS đã được xây dựng và được đánh giá theo hướng dẫn của ICH. Các điều kiện phân tích đã được thiết lập bao gồm các điều kiện về phổ khối, tính tương thích hệ thống tính tuyến tính, độ lặp lại và độ đúng. Hàm lượng các hợp chất đã được định lượng bao gồm acid clorogenic, rhoifolin, neobudofficid, và linarin trong V. hardwickii và acid clorogenic trong V. officinalis.

Vân Anh

Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ bản tập 23 - Số 2- 2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ