SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phân lập flavonoid từ phân đoạn có tính chống oxy hóa của cây viễn chí lá nhỏ (Polygala Paniculata L.)

[14/05/2020 10:55]

Nghiên cứu do tác giả Lê Văn Huấn - Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, các tác giả Nguyễn Thùy Dung, Bùi Thế Vinh, Trần Công Luận thực hiện nhằm đánh giá sơ bộ về tác dụng chống oxy hóa của các phân đoạn từ phần trên mặt đất của VCLN và phân lập các chất tinh khiết từ phân đoạn có tác dụng chống oxy hóa mạnh để sử dụng cho những nghiên cứu tiếp theo.

Viễn chí lá nhỏ (Polygala paniculata L.) được xếp vào nhóm thuốc an thần trong danh mục các dược liệu được Bộ Y tế công nhận chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh (Thông tư ban hành ngày 29/04/2010). Dân gian dùng rễ làm thuốc xoa bóp chữa tê thấp, nhức mỏi; nước sắc dùng chữa chứng đầy hơi, sổ mũi, hen suyễn.... Dịch chiết từ P. paniculata đã được chứng minh hoạt tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, chống khối u…

Đề tài thực hiện nhằm đánh giá sơ bộ về tác dụng chống oxy hóa của các phân đoạn từ phần trên mặt đất của viễn chí lá nhỏ và phân lập các chất tinh khiết từ phân đoạn có tác dụng chống oxy hóa mạnh để sử dụng cho những nghiên cứu tiếp theo.

Nguyên liệu là phần trên mặt đất của viễn chí lá nhỏ (Polygala paniculata L.) được thu hái ở Lâm Hà-Lâm Đồng, phơi khô, xay bột thô, bảo quản ở nhiệt độ phòng. Bột viễn chí lá nhỏ được chiết ngấm kiệt với methanol, sau đó lắc phân bố với ether dầu hỏa, ethyl acetat, n-butanol, cô thu hồi dung môi thu được các cao tương ứng. Các cao này được dùng để đánh giá hoạt tính chống oxy hóa bằng thử nghiệm quét gốc tự do DPPH. Phân đoạn có tác dụng chống oxy hóa mạnh sẽ được phân tách bằng các kỹ thuật sắc ký cột. Sau khi kiểm tra độ tinh khiết, các chất phân lập được sẽ được xác định cấu trúc bằng phổ MS và NMR.

Qua thời gian thực hiện, kết quả đã đánh giá hoạt tính chống oxy hóa của các cao phân đoạn ether dầu hỏa, ethyl acetat, n-butanol và cao nước đều cho thấy hoạt tính chống oxy hóa. Từ cao ethyl acetat thể hiện hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất đã phân lập và xác định cấu trúc được 1 hợp chất F (52 mg) là ombuosid (4ʹ,7-di-O-methylquercetin-3-O-rutinosid).

Từ đó cho thấy, phân đoạn ethyl acetat đã được chứng minh có hoạt tính chống oxy hóa mạnh bằng thử nghiệm quét gốc tự do DPPH. Từ 90 g cao ethyl acetat đã phân lập được 1 hợp chất F. Bằng các kỹ thuật phổ học đã xác định cấu trúc hóa học là 4ʹ,7-di-O-methylquercetin-3-O-rutinosid (ombousid), đây là lần đầu tiên hợp chất F được công bố phân lập từ VCLN thu hái ở Lâm Đồng.

Vân Anh

Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh (Phụ bản tập 23 - Số 2- 2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ