Bộ KH&CN đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BKCN về nâng cao năng lực khoa học và công nghệ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
Viện Đo lường Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã hỗ trợ Vingroup đo lường thử nghiệm máy thở.
Thực hiện Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ KH&CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thực hiện đồng loạt những hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến các lĩnh vực tiêu chuẩn, mã số mã vạch, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn giải pháp năng suất.
Cụ thể: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã cung cấp miễn phí các Tiêu chuẩn quốc gia, các Tiêu chuẩn quốc tế mới nhất liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn…); lĩnh vực về quản lý rủi ro; Hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành trang thiết bị y tế...
Bên cạnh đó, các đơn vị kỹ thuật, các tổ chức đánh giá sự phù hợp trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng chủ động hỗ trợ, tư vấn, đánh giá phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế… cho cộng đồng doanh nghiệp đối với các lĩnh vực trên. Cụ thể như hỗ trợ đo lường thử nghiệm máy thở do Vingroup sản xuất, miễn phí 100% chi phí tem truy xuất nguồn gốc cho xe container đầu tiên xuất khẩu chính ngạch trái cây sang thị trường Trung Quốc, tư vấn trực tuyến miễn phí tiêu chuẩn ISO 31000 về quản lý rủi ro cho các cơ sở kinh doanh ăn uống.... Các hoạt động này đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Trong đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, các đợn vị liên quan nắm bắt, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp công nghệ cao trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trọng tâm là khó khăn trước mắt do tác động của dịch COVID-19 để có giải pháp hỗ trợ kịp thời;
Phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hỗ trợ tra cứu thông tin, hoàn thiện sáng chế; tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế; hỗ trợ hoạt động đổi mới và ứng dụng công nghệ;
Đẩy nhanh việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc phục vụ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, nông sản phục vụ xuất khẩu.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của ngành khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các trang thiết bị y tế, máy xét nghiệm, khẩu trang chuyên dụng,... phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19;
Làm đầu mối phối hợp với các hiệp hội (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội Mã số mã vạch Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý rủi ro đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là nông sản để phục vụ xuất khẩu;
Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý, kỹ thuật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo đo lường, nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh trong và sau khi hết dịch COVID-19;
Triển khai hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng năng suất trong và sau dịch COVID-19 thông qua đào tạo hướng dẫn thực hành và hệ thống chuyên gia tư vấn dựa trên ứng dụng nền tảng số.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, ngành Khoa học và Công nghệ đã vào cuộc với tinh thần chủ động, kịp thời và trách nhiệm, qua đó đã có những đóng góp hiệu quả vào việc phòng, chống dịch COVID-19. Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng và chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện vi-rút SARS-CoV-2 đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và có năng lực xuất khẩu; triển khai theo quy trình đặc biệt các nghiên cứu về dịch tễ học, phác đồ điều trị, chế tạo robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thu thập, tổng hợp các công bố khoa học quốc tế mới nhất về vi-rút SARS- CoV-2 để cung cấp cho các nhóm nghiên cứu tham khảo và hỗ trợ đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu cấp thiết phục vụ phòng, chống dịch; phát huy nền tảng của Hệ tri thức Việt số hóa trong việc xây dựng bản đồ vùng dịch sử dụng Vmap, phát hiện nhũng người có nguy cơ lây nhiễm tại các điểm du lịch; xây dựng phần mềm khai báo y tế; huy động hiệu quả mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ tại các nước để kết nối các nhóm nghiên cứu và trao đổi, thử nghiệm các thiết bị, công nghệ và sản phẩm phòng, chống dịch; thúc đẩy hợp tác công - tư trong thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.
Đồng thời, ngành Khoa học và Công nghệ cũng đã có những đóng góp cụ thể trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quý I/2020 đạt 3,82% của Việt Nam (mức cao nhất của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới ngày 31/3/2020.
|
Bảo Anh