SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN Việt Nam

[15/05/2020 16:00]

Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, không một quốc gia nào có thể phát triển mà không cần/dựa vào khoa học và công nghệ (KH&CN). Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mỗi quốc gia phát triển đều gắn liền với phát triển KH&CN mà chủ chốt là con người và tổ chức KH&CN. Bài viết dưới đây đề cập đến thực trạng nguồn nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN ở nước ta hiện nay và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này

Vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)

Ngày nay, vai trò của KH&CN trong đời sống xã hội ở mỗi quốc gia là không thể phủ nhận, “khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp” như dự đoán của Các Mác cách đây hơn 100 năm. Sự phát triển của các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật song song với các cuộc cách mạng công nghiệp mang đến cho KH&CN vị trí không thể thay thế trong phát triển xã hội loài người. Không có quốc gia nào có thể phát triển mà không cần/dựa vào KH&CN, mỗi quốc gia đều sử dụng KH&CN trong chiến lược nâng cao vị thế kinh tế và chính trị trên thế giới. 

Các chuyên gia đánh giá Việt Nam vẫn còn dư địa cho cải thiện năng suất lao động và khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên không thể không chú ý đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức một cách tổng thể, cần có sự đồng bộ giữa việc sử dụng các nguồn lực với việc thúc đẩy ứng dụng KH&CN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đối với các tổ chức KH&CN, nguồn lực cho sản xuất chủ yếu là nguồn lực con người, máy móc chỉ là phương tiện để con người khai phá, sáng tạo. Do đó, giải pháp để phát triển các tổ chức KH&CN không thể không chú trọng đến phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực KH&CN.

Các tổ chức KH&CN Việt Nam hiện nay

Trong phạm vi quốc gia, tính đến hết năm 2018, cả nước có 1900 tổ chức KH&CN công lập và 2184 tổ chức KH&CN ngoài công lập . Các tổ chức KH&CN đã cung cấp luận cứ khoa học cho công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý nhà nước; đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng nông nghiệp, công nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế khác. Thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức KH&CN là định hướng đúng đắn đảm bảo sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dù vậy, thực trạng hoạt động của các tổ chức KH&CN Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thực sự phát huy được vai trò của mình.

Đối với các tổ chức KH&CN công lập (do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập) là đơn vị sự nghiệp công lập thì phải tổ chức, hoạt động theo các quy định của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập. “Vì phải chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quản lý của Nhà nước như đối với đơn vị sự nghiệp công lập nên các tổ chức KH&CN công lập gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ” , vẫn còn tư tưởng trông chờ Nhà nước, thiếu năng động. 

Thực trạng nguồn nhân lực trong các tổ chức KH&CN Việt Nam

Kết quả tổng hợp Điều tra NC&PT 2018 và Điều tra doanh nghiệp 2018 cho thấy, năm 2017 cả nước có 172683 người tham gia các hoạt động NC&PT (hình 1), tăng khoảng 5000 người (gần 3%) so với năm 2015, trong đó tổng số nhân lực KH&CN thuộc khu vực công lập là 147694 người. Phân chia theo chức năng, số cán bộ nghiên cứu chiếm 78,8% (136070 người), còn lại là cán bộ kỹ thuật, cán bộ hỗ trợ và khác. Tỷ lệ cán bộ nghiên cứu có trình độ trên đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) trong tổng số cán bộ nghiên cứu là 71764 người (chiếm 52,74%).

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực KH&CN hiện nay

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở các vị trí công tác khác nhau nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ, rèn luyện phẩm chất đạo đức công vụ, đáp ứng yêu cầu của công việc trong bối cảnh mới.

Từ các quy định hiện nay về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đã có nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng này. Đối với tổ chức hành chính, có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch bậc (chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp), đối với hoạt động KH&CN có chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch bậc kỹ sư và nghiên cứu viên. Ngoài ra, để phục vụ đặc thù công việc thì các ngành, lĩnh vực đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho các cán bộ của mình.

Một số kiến nghị

Coi trọng đội ngũ lãnh đạo cấp phòng

Lãnh đạo cấp phòng trong các tổ chức KH&CN là người chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên cũng như điều hành hoạt động của các nhà khoa học chịu sự quản lý của mình. Họ cũng có trách nhiệm đảm bảo thông tin được thông suốt 2 chiều giữa lãnh đạo cấp trên và người dưới quyền, đòi hỏi người lãnh đạo cấp phòng phải có hiểu biết sâu sắc về chuyên môn cũng như tính năng động của một tổ chức. Nếu năng lực của người lãnh đạo cấp phòng bị giới hạn, hoặc do họ không có khả năng thúc đẩy các nhân viên của mình phát huy đầy đủ năng lực, khi đó họ trở thành nút thắt cổ chai cho sự phát triển của tổ chức. Điều này càng khẳng định vai trò của những người lãnh đạo cấp phòng trong các tổ chức KH&CN.

Hoàn thiện các chính sách đối với nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ

Chính phủ cần có chính sách thông thoáng hơn tạo cho nhà khoa học trẻ quyền tự chủ và độc lập tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học. Cho phép các nhà khoa học trẻ tham gia vào các chương trình học bổng của Chính phủ hoặc được phép làm việc ngắn hạn tại các tổ chức KH&CN nước ngoài mà vẫn đảm bảo vị trí công việc hiện tại trong nước. Trong thời gian qua, chúng ta chứng kiến hàng nghìn nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài, các nhà khoa học Việt kiều hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ quay về đóng góp cho quê hương, đất nước. Qua đó, có thể thấy tinh thần đóng góp cho quê hương, đất nước luôn có ở trong mỗi nhà khoa học, càng thành công thì khao khát đóng góp cho quê hương càng lớn.

Tiếp tục thu hút, đãi ngộ các nhà khoa học trình độ cao từ nước ngoài

Để thu hút các nhà khoa học giỏi, Chính phủ cần áp dụng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp đối với các vị trí công việc đòi hỏi nhân lực KH&CN trình độ cao, đặc thù. Tiếp cận theo hướng này cũng phù hợp với chủ trương trả lương theo vị trí việc làm sẽ được áp dụng triệt để trong thời gian tới đây. Tuy nhiên, để xác định mức thù lao phù hợp, ngay từ bây giờ cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp luận cứ và cơ sở thực tiễn.

Tạp chí KH&CN Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ