Quản trị ngân hàng thương mại trong kỷ nguyên số
Trong kỷ nguyên số, đặc biệt là trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), công nghệ không đơn thuần là một công cụ hỗ trợ mà đã trở thành nhân tố tác động mạnh mẽ đến quản trị ngân hàng thương mại. Các sản phẩm của cuộc CMCN 4.0 làm thay đổi toàn diện, từ bản chất đến hình thức của hoạt động kinh doanh ngân hàng, đặt ra nhiều yêu cầu mới, thách thức mới cho công tác quản trị.
Xu thế tất yếu
Thứ nhất, CMCN 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn về kênh phân phối và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tài chính truyền thống: trong thương mại và thanh toán điện tử, các giao dịch thông qua ví điện tử, thẻ ghi nợ của doanh nghiệp, qua điện thoại di động sẽ làm giảm sút mạnh việc giao dịch trực tiếp qua tài khoản ngân hàng, qua thẻ thanh toán, séc. Dần dần, các tài khoản ngân hàng chỉ còn sử dụng để chuyển tiền, nạp tiền, rút tiền mặt và đóng vai trò lưu trữ giá trị tiền trên điện thoại di động, trở thành một tiện ích trong thế giới công nghệ.
Thứ hai, CMCN 4.0 làm thay đổi cấu trúc tổ chức bộ máy của ngân hàng thương mại: với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số trên các thiết bị di động, máy tính cá nhân, khách hàng sẽ có nhu cầu ngày càng cao về giao dịch điện tử, tức thời ngay trên điện thoại di động, máy tính cá nhân để đảm bảo tính hiệu quả về thời gian, độ chính xác; số lượng giao dịch trực tiếp với cán bộ ngân hàng tại các chi nhánh, phòng giao dịch sẽ giảm mạnh, không chỉ các giao dịch thanh toán mà cả các sản phẩm truyền thống khác như tiền gửi tiết kiệm, hoạt động tín dụng... cũng sẽ thực.
Thứ ba, về nghiên cứu và xây dựng mối quan hệ với khách hàng: hành vi của khách hàng chuyển dần sang thanh toán di động và kỹ thuật số trên toàn cầu. Việc kết nối, xây dựng mối quan hệ với khách hàng hay việc tìm hiểu, phân tích khách hàng theo phương pháp truyền thống trở nên khó khăn. Vì vậy, các ngân hàng thương mại sẽ phải xây dựng các tiện ích ngân hàng nhân tạo thông minh, ngân hàng cảm xúc, trong đó, các thiết bị thông minh sẽ giúp thu thập thông tin, dữ liệu và nghiên cứu về hành vi, tâm lý để tìm hiểu nhu cầu tài chính của người tiêu dùng. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng cần có sự "bắt tay" chặt chẽ với các công ty Fintech, các mạng xã hội để có nguồn dữ liệu toàn diện về khách hàng.
Thách thức đối với các nhà quản trị ngân hàng thương mại
Thách thức trong phát triển các kênh phân phối mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, mang tính tích hợp cao: người tiêu dùng hiện đang sống trong một thế giới siêu kết nối toàn cầu với mạng xã hội, ứng dụng di động, Internet và các công nghệ số hoá khác. Họ có nhiều lựa chọn và tiếp cận dễ dàng hơn với các kênh phân phối dịch vụ, vì vậy, các ngân hàng cần phải nghiên cứu, nắm bắt xu hướng và hợp tác với các công ty Fintech để lựa chọn các kênh phân phối phù hợp nhằm tối đa hoá trải nghiệm khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Xu hướng hiện nay của ngân hàng là triển khai mô hình hợp kênh (Omni-Channel) để đồng nhất trải nghiệm của khách hàng trên tất cả các kênh phân phối, ứng dụng các kênh phân phối mới như trợ lý ảo/Chatbox, ATM đa năng thế hệ mới, chi nhánh ảo trên mạng xã hội...
Thách thức trong việc đầu tư vào các nền tảng công nghệ: về cơ bản, các ngân hàng đã có trình độ công nghệ tiên tiến, tuy nhiên, để triển khai được các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ trong cuộc CMCN 4.0, các ngân hàng thương mại phải đầu tư, phát triển các nền tảng công nghệ mới, đặc biệt là giải pháp tích hợp với hệ thống corebanking hiện tại. Việc đầu tư vào các công nghệ mới sẽ gặp các thách thức như: (i) Chi phí đầu tư ban đầu rất cao, đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính đủ mạnh; (ii) Hệ thống ngân hàng lõi hiện tại đang là rào cản lớn đối với việc đổi mới công nghệ. Có những hệ thống ngân hàng lõi có cấu trúc không linh hoạt, hoạt động nguyên khối sẽ đòi hỏi đầu tư nhiều về tài chính, nhân lực, thời gian trong việc chỉnh sửa hoặc tích hợp với các nền tảng công nghệ số; (iii) Yêu cầu về nguồn nhân lực công nghệ trình độ cao để phát triển, triển khai, vận hành và kiểm soát hệ thống.
Thách thức trong tái cấu trúc tổ chức bộ máy ngân hàng: các ngân hàng phải thực hiện cấu trúc lại mạng lưới các chi nhánh và hệ thống phòng/ban tại trụ sở chính, các đơn vị trực thuộc. Các chi nhánh có xu hướng giảm số lượng tại các khu vực thành thị nơi các thiết bị công nghệ (điện thoại, máy tính, Internet...) được phủ sóng rộng khắp; chỉ duy trì tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh việc cấu trúc lại mạng lưới về mặt số lượng chi nhánh, phòng giao dịch; các ngân hàng còn phải đổi mới cơ chế hoạt động của các chi nhánh này.
Thách thức về nguồn nhân lực: việc chuyển đổi hoạt động trên cơ sở nền tảng công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi hoàn toàn về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của các ngân hàng thương mại. Trong đó, nhu cầu về cán bộ nghiệp vụ ngân hàng truyền thống sẽ giảm xuống, đặc biệt là nhân lực thực hiện các thao tác thủ công, có tính lặp đi lặp lại; nhân lực có trình độ sơ cấp như giao dịch viên, kế toán viên, cán bộ làm hồ sơ tín dụng, chuyên viên tư vấn... Thay vào đó, nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao như: lập trình viên, phân tích dữ liệu, quản trị hệ thống, quản trị rủi ro, chuyên viên pháp lý... sẽ ngày càng cao. Việc thay đổi cấu trúc nguồn nhân lực sẽ kéo theo nhiều yêu cầu mới về chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng, đào tạo và đào tạo lại... của ngân hàng.
Thách thức trong vấn đề bảo mật thông tin, đảm bảo an toàn giao dịch của khách hàng trong môi trường mạng: việc thực hiện giao dịch ngân hàng thông qua hệ thống mạng xã hội, các thiết bị thông minh và sự phát triển của các sản phẩm tài chính xuyên biên giới, tương tác theo thời gian thực đã tạo ra những rủi ro lớn cho ngân hàng. Công nghệ số làm gia tăng những lỗ hổng bảo mật, tạo điều kiện cho tội phạm công nghệ cao, tin tặc hoạt động mạnh và xuyên biên giới.
Thách thức về quản trị thay đổi và rủi ro trong quá trình chuyển đổi công nghệ và hoạt động ngân hàng: việc theo đuổi xu hướng phát triển chung trong cuộc CMCN 4.0 sẽ kéo theo sự thay đổi gần như toàn diện trong hoạt động ngân hàng. Quá trình thay đổi có thể tạo ra những cú sốc và tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh ngân hàng. Bên cạnh đó, khi triển khai ngân hàng số sẽ phát sinh nhiều rủi ro về chiến lược, pháp lý, công nghệ, tài chính và gian lận; trong số đó, rủi ro về công nghệ (sự cố hoạt động và lỗ hổng công nghệ) là lớn nhất.
Thách thức từ phía hành lang pháp lý của nhà nước: các công nghệ trong CMCN 4.0 phát triển quá nhanh, khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam thực sự lúng túng trong việc thiết kế khung khổ pháp lý, đặt ra yêu cầu mới cho chính phủ trong việc thiết kế các khuôn khổ chính sách mới để quản lý, giám sát những yếu tố mới của khu vực tài chính ngân hàng, như: tiền thuật toán (crypto currency), tiền điện tử (e-money), các công ty Fintech... Việc chậm đổi mới hoặc thiếu hành lang pháp lý đồng bộ về ngân hàng số từ phía các cơ quan quản lý nhà nước có thể ngăn cản, làm chậm quá trình đổi mới của ngân hàng thương mại trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra các sản phẩm mới.
Thách thức từ các công ty Fintech: sự phát triển mạnh mẽ của các công ty Fintech là mối đe dọa và thách thức lớn đối với hoạt động của mô hình ngân hàng thương mại truyền thống. Fintech hiện nay đã cung cấp nhiều dịch vụ ngân hàng và tài chính cho người tiêu dùng, bao gồm: dịch vụ thanh toán, quản lý tài sản, gọi vốn từ cộng đồng, cho vay, thị trường tài chính và dịch vụ bảo hiểm. Đối với dịch vụ thanh toán, cùng với sự phát triển các mạng xã hội, các công ty Fintech đã phát triển các dịch vụ thanh toán mới như: ví di động, thanh toán không tiếp xúc, thanh toán ngang hàng P2P, thanh toán ngay lập tức và giải pháp tiền số. Các dịch vụ này cải thiện trải nghiệm của khách hàng với thanh toán xuyên suốt về tốc độ, tính tiện lợi và khả năng truy cập đa kênh.
Giải pháp để phát triển bền vững
Một là, cần xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số tại đơn vị theo hướng: công nghệ đi trước nghiệp vụ ngân hàng, trong đó xác định rõ mô hình ngân hàng số hướng đến, lộ trình và các điều kiện, nguồn lực để đầu tư công nghệ và thay đổi loại hình kinh doanh; phương thức quản trị thay đổi khi chuyển mình từ mô hình ngân hàng truyền thống thành mô hình ngân hàng thông minh.
Hai là, lựa chọn nền tảng công nghệ cần phát triển phù hợp với chiến lược phát triển của từng ngân hàng. Do giới hạn về điều kiện tài chính, nhân lực, thời gian, các ngân hàng thương mại không thể triển khai áp dụng đồng thời tất cả các công nghệ mới. Căn cứ vào chiến lược phát triển và mô hình ngân hàng số dự kiến xây dựng, nhà quản trị ngân hàng cần lựa chọn một số nền tảng công nghệ cần thiết và phù hợp trong từng giai đoạn phát triển.
Ba là, thông qua tuyển dụng, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin và kiểm soát hệ thống. Đối với nguồn nhân lực truyền thống, cần có sự sàng lọc, sắp xếp lại, đào tạo, đào tạo lại, để đáp ứng yêu cầu triển khai, vận hành và kiểm soát hoạt động của ngân hàng số.
ntptuong