Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo: Liên kết và hội tụ nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo
Xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST) được coi là giải pháp quan trọng để liên kết và hội tụ nguồn lực phát triển hệ sinh thái KNST một cách hoàn chỉnh. Giải pháp này đã được đề cập như một trong những nhiệm vụ, hoạt động trọng tâm trong Đề án 844. Vậy bên cạnh các mô hình như vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo… tại sao cần có thêm trung tâm hỗ trợ KNST và các trung tâm này nên hoạt động như thế nào để đạt được hiệu quả cao?
Cần mô hình mang tính đột phá
Đến nay 52 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844 và sắp xếp nguồn lực triển khai. Đến hết năm 2019, Đề án đã hỗ trợ được hàng nghìn ý tưởng KNST, 504 doanh nghiệp KNST (trong đó 52 doanh nghiệp KNST nhận được hỗ trợ thông qua các hoạt động của Đề án đã kêu gọi được khoảng 900 tỷ đồng). Một số điểm nhấn của Đề án bao gồm:
(i) Đề xuất các sáng kiến xây dựng chính sách thúc đẩy KNST, đặc biệt hướng tới thu hút nguồn vốn cho KNST trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính, thuế, chứng khoán, ngân hàng, thông tin và truyền thông, quản lý lao động nước ngoài, thị thực nhập cảnh...
(ii) Tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình tổ chức sự kiện thuyết trình gọi vốn đầu tư mạo hiểm cho KNST ở phạm vi địa phương, vùng, quốc gia, quốc tế (Techfest). KNST của Việt Nam đã đạt giải thưởng cao ở phạm vi quốc tế: Abivin đạt giải nhất trong Techfest quốc gia 2018 đã giành giải vô địch tại Cuộc thi KNST thế giới 2019 tại Thung lũng Silicon Hoa Kỳ. Khối lượng vốn đầu tư mạo hiểm cho KNST của Việt Nam năm 2018 đạt 889 triệu USD, năm 2019 đạt 850 triệu USD, cao hơn gấp 3 lần so với năm 2017.
(iii) Hình thành được một số mô hình quản lý KNST hiệu quả tại một số địa phương như: Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, Tổ công tác khởi nghiệp tỉnh Quảng Nam do lãnh đạo Sở KH&CN làm tổ trưởng, phối hợp, điều tiết thống nhất các nguồn lực từ các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp.
(iv) Tăng cường hỗ trợ nâng cao năng lực cho các chủ thể trong hệ sinh thái KNST. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương cùng tập trung triển khai nhiệm vụ này để cùng hướng đến sự thống nhất về tư duy, nhận thức và phương pháp triển khai hoạt động KNST và hỗ trợ KNST hiệu quả, cập nhật với tình hình phát triển của khu vực và thế giới. Đến hết năm 2019, với hơn 244 khóa đào tạo KNST triển khai từ Đề án 844 ở trung ương và rất nhiều khóa đào tạo triển khai tại các địa phương cho các loại hình chủ thể trong hệ sinh thái (cán bộ quản lý nhà nước, quản lý vận hành các cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh, tổ chức hỗ trợ, doanh nghiệp KNST, nhà đầu tư tiềm năng), mặt bằng chung về tư duy, kiến thức KNST đã được nâng lên, được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
Để tiếp tục nâng cao và phát huy hơn nữa tiềm năng KNST Việt Nam, cần thiết phải có những giải pháp đột phá hơn nhằm đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp KNST cũng như các thành phần khác của hệ sinh thái, hướng tới phát triển một hệ sinh thái bền vững. Một số giải pháp có thể bao gồm: (i) Tiếp tục xây dựng nền tảng căn bản của hệ sinh thái vững chắc trên cơ sở phát triển giáo dục và đào tạo, KH&CN gắn với đổi mới sáng tạo và nhu cầu thực tiễn, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (ii) Đẩy mạnh kết nối quốc tế, thu hút các nguồn lực tài chính, chuyên gia, công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp KNST Việt Nam nâng cao năng lực, vươn ra chiếm lĩnh thị trường quốc tế; (iii) Tăng cường trao đổi, hợp tác, thông tin, truyền thông quảng bá về hệ sinh thái KNST Việt Nam với quốc tế.
Các mô hình phổ biến
Công viên khoa học công nghệ
Ngoài không gian văn phòng và nhà xưởng, các công viên khoa học công nghệ có thể cung cấp nhiều chương trình, dịch vụ và không gian phục vụ KNST như tập huấn, dịch vụ kinh doanh, cho thuê văn phòng, chuyển giao công nghệ, pháp lý... Mô hình của công viên khoa học công nghệ không cố định và có mức độ đa dạng cao, thường là các công ty trách nhiệm hữu hạn, trong đó có các chủ sở hữu công cộng và tư nhân (chính phủ, thành phố, trường đại học, ngân hàng, tập đoàn...). Các khu công viên khoa học công nghệ luôn có sự hợp tác quốc gia và quốc tế, ví dụ như IASP - mạng lưới các công viên khoa học trên toàn thế giới và các lĩnh vực đổi mới sáng tạo có vai trò kết nối các chuyên gia quản lý và cung cấp các dịch vụ thúc đẩy tăng trưởng và hiệu quả cho các thành viên.
Khu tổ hợp dịch vụ tập trung
Mặc dù không có định nghĩa chung về khu tổ hợp dịch vụ tập trung, song có thể hiểu rằng, các khu tổ hợp này có chức năng chủ yếu là thu hút và kết nối nguồn lực của các tổ chức hỗ trợ, cung cấp dịch vụ sẵn có cho KNST tại một không gian tiện lợi trên cơ sở khai thác hạ tầng sẵn có với cơ chế khuyến khích của chính phủ. Thông thường, các trung tâm này sẽ tập trung kết nối mạng lưới, khai thác hiệu quả thế mạnh và nguồn lực của các tổ chức hỗ trợ, cung cấp dịch vụ cho KNST trong cả khu vực nhà nước lẫn tư nhân thay vì tự thực hiện tất cả chức năng, nhiệm vụ như mô hình công viên công nghệ. Một số điển hình về khu tổ hợp dịch vụ tập trung có thể kể đến như Factory (Berlin, Đức), NUMA (Pháp), iHub (Nairobi, Kenya), …
Tại các khu tổ hợp dịch vụ tập trung, các doanh nghiệp KNST có thể được tiếp cận với cộng đồng khởi nghiệp đa lĩnh vực, với cơ hội hợp tác tiềm năng hay nguồn cố vấn, nhà đầu tư và các dịch vụ chất lượng cao, đa dạng. Theo các chuyên gia từ Đại học Pennsylvania (Mỹ), các khu tổ hợp dịch vụ mang lại giá trị cộng đồng rất lớn và các thành viên cảm thấy như đang làm việc ở trung tâm của thế giới với các tiện nghi và kết nối quan trọng xung quanh họ. Thậm chí cộng đồng tại một số khu tổ hợp cũng đã hình thành bản sắc văn hóa riêng.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Hiện nay cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức nhanh chóng và có nhiều diễn biến khó lường, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của kinh tế toàn cầu. Nền kinh tế dựa trên tri thức và đổi mới sáng tạo là xu hướng tất yếu và cũng là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc hình thành và phát triển các trung tâm hỗ trợ KNST là rất cấp thiết khi hệ sinh thái cũng như doanh nghiệp KNST Việt đã bước sang một giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi những hỗ trợ và dịch vụ chất lượng cao, mang chiều sâu và kịp thời. Với bối cảnh nước ta, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng mới, hiện đại như các nước trong khu vực và trên thế giới là khó khăn và tốn kém (đặc biệt là đối với mô hình công viên khoa học công nghệ).
Dù là mô hình khu tổ hợp dịch vụ tập trung hay công viên khoa học công nghệ, điểm chung và chìa khóa của sự thành công trong các mô hình này là liên kết và hợp tác không chỉ với các đối tác trong hệ sinh thái KNST, viện nghiên cứu, trường đại học, quỹ đầu tư, tập đoàn lớn mà còn tập trung phát triển kết nối và hợp tác quốc tế thông qua các mạng lưới.
Cơ sở vật chất hạ tầng đảm bảo thành công về “phần cứng” khi đáp ứng được nhu cầu về không gian, phòng thí nghiệm, khu chế xuất thử nghiệm của doanh nghiệp KNST, tuy nhiên “phần mềm” là các chương trình, dịch vụ chất lượng cao, cộng đồng là điểm khác biệt tạo lợi thế cũng như giữ chân “khách hàng” một cách lâu dài. Việc đảm bảo về hạ tầng giao thông hay vị trí thuận lợi cũng là điểm mấu chốt cần chú trọng khi lựa chọn địa điểm đặt các khu này.