SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu thành phần hóa học theo định hướng chống oxy hóa cây kim thất láng (gynura nitida dc., asteraceae)

[18/05/2020 08:28]

Nghiên cứu do đồng tác giả Hoàng Đức Thuận - Khoa Dược - Đại học Lạc Hồng và Bùi Mỹ Linh - Khoa Dược - Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Kim thất láng là một loài thuộc chi Gynura, họ Cúc. Nhiều loài thuộc chi Gynura (G. procumbens, G. bicolor) đã được sử dụng trong dân gian để điều trị viêm tại chỗ, hạ huyết áp, cải thiện tuần hoàn máu, chứng thống kinh, ho ra máu và trị tiểu đường. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng gốc tự do là nguyên nhân gây ra các chứng viêm, xơ vữa động mạch, Alzheimer và gây lão hóa ở người, các hoạt chất có tác dụng bắt gốc tự do giúp loại bỏ nguy cơ gây bệnh và bảo vệ sức khỏe con người. Với mong muốn bước đầu làm sáng tỏ thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của Kim thất láng, đề tài tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học và khảo sát hoạt tính chống oxy hóa các cao chiết trên mô hình quét gốc tự do DPPH của cây Kim thất láng (Gynura nitida DC.) ở Việt Nam.

Phần trên mặt đất cây Kim thất láng (Gynura nitida DC., Asteraceae) được thu hái tại thành phố Buôn Ma Thuột vào tháng 07/2017, tỉnh Đắc Lắc. Mẫu dược liệu được định danh bởi TS. Võ Văn Chi và PGS.TS. Bùi Mỹ Linh (nguyên giảng viên Bộ môn Dược liệu, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Mẫu được sấy khô, ép tiêu bản thực vật và lưu tại Bộ môn Dược liệu, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh với mã số (BĐR08-2015). Dung môi sử dụng trong nghiên cứu là các dung môi đạt tiêu chuẩn tinh khiết dùng trong phân tích bao gồm ethanol, methanol, n-hexan, chloroform và ethyl acetat của hãng Xilong (Trung Quốc) sản xuất. Silica gel sắc ký cột: silica gel hạt mịn (kích thước hạt 0,025 – 0,04 mm) và hạt vừa (kích thước hạt 0,04 – 0,063 mm) của hãng Merck (Đức) sản xuất. Silica gel sắc ký lớp mỏng: bản nhôm tráng sẵn Silica gel GF254 (Merck). Phổ khối (ESI-MS) được đo trên máy ALIGENT 1100 MC-LSD Trap tại Viện Công nghệ hóa học. Phổ cộng hưởng từ hạt nhân: 1 HNMR, 13C-NMR, DEPT, HSQC, HMBC được đo trong dung môi DMSO-d6 trên máy Bruker AM 500 FT-NMR spectrometer tại Viện Hóa học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Bột dược liệu khô (9,12 kg) được xay mịn tới kích thước 0,1 mm, được chiết ngấm kiệt bằng ethanol 96%. Ngâm dược liệu 24 giờ rồi rút dịch chiết với tốc độ 3 ml/phút. Tổng dịch chiết thu được là 90 lít. Cô thu hồi dung môi, thu được 1,24 kg cao toàn phần, để lạnh loại chlorophyll tách lớp. Cao toàn phần sau khi loại chlorophyll được thêm nước với tỷ lệ 1:1, lần lượt lắc phân bố với các dung môi có độ phân cực tăng dần : ether dầu hỏa, cloroform, ethyl acetat, n-butanol (với tỷ lệ cao toàn phần: dung môi là 2:1, chiết nhiều lần cho tới khi dịch chiết nhạt màu). Cô thu hồi dung môi thu 4 cao đặc: ether dầu hỏa (19,9 g), cloroform (45,03 g), ethyl acetat (4,24 g), n-buthanol (81,25 g). Phần dịch còn lại đem cô thu hồi dung môi thu được cao nước (207,61 g). DPPH (l,l-diphenyl-2-picrylhydrazyl) là chất tạo ra gốc tự do được dùng để thực hiện phản ứng mang tính chất sàng lọc có tác dụng chống oxy hóa của các chất nghiên cứu. Hoạt tính chống oxy hóa thể hiện qua việc đánh bắt gốc tự do, làm giảm màu của DPPH chuyển từ màu tím sang màu vàng nhạt, sự giảm màu đó sẽ được xác định bằng cách đo quang ở bước sóng 517 nm. Tiến hành đo quang 3 lần, lấy giá trị trung bình. Dùng 0,5 ml dung dịch DPPH (nồng độ 0,5 mM trong methanol, pha dùng trong ngày) cho vào 0,5 ml dung dịch cao thử có nồng độ khác nhau, thêm 3 ml methanol. Hỗn hợp được lắc đều và ủ ở nhiệt độ phòng trong bóng tối. Sau 30 phút, đo độ hấp thu ở bước sóng 517 nm. Tiến hành đồng thời với mẫu trắng (4 ml MeOH), mẫu chứng (0,5 ml DPPH + 3,5 ml methanol). Tiến hành 3 lần, lấy giá trị trung bình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dịch chiết cồn 96% và các cao phân đoạn đều có hoạt tính chống oxy hóa với độ mạnh giảm dần cao ethyl acetat > cao chloroform > cao n-butanol > cao nước > cao ether dầu hỏa với các giá trị IC50 lần lượt là 34,29, 37,79, 166,4, 207,61, 266,46 mg/ml. Từ 9,12 kg bột dược liệu chiết ngấm kiệt với cồn 96% thu được 1,24 kg dịch chiết đậm đặc. Lắc phân bố lỏng-lỏng với các dung môi có độ phân cực tăng dần, sau đó loại dung môi thu được cao ether dầu hỏa (19,9 g), cao chloroform (45,03 g), cao ethyl acetat (4,24 g), cao n-butanol (81,25 g). Từ 4,24 g cao EA phân lập được 2 hợp chất lần lượt là uracil (16 mg), 3,7-dimethyloct-3-en-1,2,6,7-tetrol (4,2 mg). Dịch chiết cồn 96% và các cao phân đoạn đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa, trong đó, cao ethyl acetat thế hiện khả năng chống oxy hóa mạnh với IC50 lần lượt là 34,29 mg/ml. Uracil và 3,7-dimethyloct-3-en1,2,6,7-tetrol lần đầu tiên được phân lập từ Gynura nitida.

ctngoc

Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ