SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Độc tính cấp và tác động lên trọng lượng, đường huyết của chuột khỏe mạnh của cao nước lá mật gấu thu thập tại tỉnh Sóc Trăng

[18/05/2020 08:42]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Văn Đàn, Kiều Xuân Thy, Bùi Phạm Minh Mẫn, Bùi Chí Bảo và Trịnh Thị Diệu Thường - Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Ảnh minh họa.

Tại tỉnh Sóc Trăng, khi thu thập các bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian được người dân sử dụng, chúng tôi có được hàng trăm bài thuốc, trong đó có bài thuốc độc vị lá Mật gấu dùng để hạ đường huyết. Lá Mật gấu còn được gọi là cây lá đắng, được người dân sử dụng như một loại thực phẩm hàng ngày. Chính vì thói quen sử dụng lá Mật gấu như nguồn thực phẩm, việc dùng lá Mật gấu điều trị cho những người bệnh không bị tăng đường huyết, hay những người khỏe mạnh với mục đích phòng ngừa bệnh có gây ra tác dụng không mong muốn cho người sử dụng như: tăng cân, hạ đường huyết hay các độc tính khác. Để trả lời cho câu hỏi đó chúng tôi tiến hành nghiên cứu này như bước khởi đầu nhằm đánh giá độc tính cấp của bài thuốc lá Mật gấu trên chuột, đánh giá tác động của bài thuốc lên trọng lượng và đường huyết của chuột khỏe mạnh qua đó có thể thực hiện thêm các nghiên cứu tiếp theo.

Chế phẩm nghiên cứu là Cao nước lá Mật gấu. Thử nghiệm độc tính cấp qua việc xác định liều Dmax, LD100, LD50, LD0. Khảo sát tác động lên trọng lượng và đường huyết chuột khỏe mạnh bằng cách chọn 18 chuột khỏe mạnh chia làm 3 lô ngẫu nhiên (mỗi lô 6 con), lô sinh lý cho chuột uống nước cất, lô BT100 cho chuột uống Cao nước lá Mật gấu liều 100 mg/kg, lô BT200 cho chuột uống Cao nước lá Mật gấu liều 200 mg/kg. Cho chuột uống nước cất hoặc cao thử 1 lần/ngày trong 14 ngày. Trọng lượng của chuột được theo dõi mỗi ngày, đường huyết của chuột được đo mỗi 5 ngày bằng cách lấy máu tĩnh mạch đuôi chuột vào buổi sáng sau khi cho chuột nhịn đói ít nhất 12 giờ. Kết quả được trình bày dưới dạng trung bình ± sai số chuẩn của giá trị trung bình (Mean ± SEM), được phân tích thống kê bằng các phép kiểm Kruskal-Wallis và Mann-Whitney với phần mềm SPSS 22.0. Chọn 18 chuột thỏa các tiêu chuẩn thí nghiệm chia ngẫu nhiên vào 3 lô, mỗi lô 6 con: Lô sinh lý: cho chuột uống nước cất. Lô BT100: cho chuột uống Cao nước lá Mật gấu liều 100 mg/kg(7) . Lô BT200: cho chuột uống Cao nước lá Mật gấu liều 200 mg/kg(7) . Cho chuột uống nước cất hoặc cao thử 1 lần/ngày vào buổi sáng (8-10 giờ) trong 14 ngày. Trọng lượng của chuột được theo dõi mỗi ngày, đường huyết của chuột được đo mỗi 5 ngày bằng cách lấy máu tĩnh mạch đuôi chuột vào buổi sáng sau khi cho chuột nhịn đói ít nhất 12 giờ. Kết quả được trình bày dưới dạng trung bình ± sai số chuẩn của giá trị trung bình (Mean ± SEM). Số liệu được phân tích thống kê bằng các phép kiểm Kruskal-Wallis và Mann-Whitney với phần mềm SPSS 22.0. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê khi giá trị p <0,05.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cao nước lá Mật gấu không xác định được giá trị LD50, không thể hiện độc tính cấp với liều tối đa (Dmax) là 20,06 g/kg trọng lượng chuột. Đối với tác động lên trọng lượng, 3 nhóm khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05 về trọng lượng ở tất cả các ngày khảo sát. Đối với tác động lên đường huyết, sự thay đổi đường huyết trên 3 lô khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p>0,05. Cao nước lá Mật gấu không thể hiện độc tính cấp trên chuột, không có tác động lên trọng lượng và đường huyết của chuột khỏe mạnh.

ctngoc

Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ