Đánh giá khả năng gây chết tế bào theo chương trình của bài thuốc cây lược vàng và bạch hoa xà thiệt thảo thu thập tại tỉnh Sóc Trăng trên dòng tế bào ung thư
Nghiên cứu do nhóm tác giả Bùi Chí Bảo, Phạm Thị Bình Minh, Trịnh Thị Diệu Thường - Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Khổng Lê Trường Giang - Trường ĐH Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh thực hiện.
Ảnh minh họa.
Theo WHO, ung thư đang là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với sức khoẻ cộng đồng của thế kỷ 21. Tại Việt Nam, số ca mắc mới ung thư không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010. Năm 2018, số ca ung thư mắc mới tăng lên khoảng 165.000 ca/96,5 triệu dân. Tỷ lệ các loại ung thư phổ biến tại Việt Nam: ung thư gan 15,4%, ung thư phổi 14,4%, ung thư dạ dày 10,6%, ung thư vú 9,2%, ung thư trực tràng 8,9%, ung thư khác 41,4%. Do đó, việc nghiên cứu để tìm kiếm phương thuốc điều trị hoặc hỗ trợ điều trị ung thư là rất cần thiết. Tại tỉnh Sóc Trăng, người dân bằng kinh nghiệm vẫn sử dụng bài thuốc kết hợp lá cây Lược vàng và Bạch hoa xà thiệt thảo để hỗ trợ điều trị ung thư. Cây Lược vàng có chứa quercetin, Bạch hoa xà thiệt thảo có chứa methylanthraquinon. Theo nhiều nghiên cứu, quercetin và methylanthraquinon có khả năng gây chết các tế bào ung thư thông qua cơ chế chết theo chương trình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu khoa học nào về việc sử dụng bài thuốc này trong điều trị ung thư. Vì vậy, nghiên cứu này được tiến hành với mục tiêu khảo sát khả năng kháng ung thư của bài thuốc cây Lược vàng và Bạch hoa xà thiệt thảo tại Sóc Trăng.
Đối tượng nghiên cứu là cao chiết nước của bài thuốc cây Lược vàng và Bạch hoa xà thiệt thảo thu thập được trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Dòng tế bào: Tế bào ung thư vú người MDA-MB 231 (ATCC), Tế bào u nguyên bào thần kinh SKN-DZ (được cung cấp bởi tiến sĩ Akira Nakagawa). Phương pháp dòng chảy tế bào (Flow cytometry - BD FACS Canto II).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, sử dụng nồng độ thuốc pha loãng theo tỷ lệ 1/2 (3,04 mg/ml) và 1 (6,08 mg/ml) thì số lượng tế bào ung thư vú chết theo chương trình khác biệt có ý nghĩa thống kê so với lô chứng. Kết hợp cao chiết cây Lược vàng và bạch hoa xà thiệt thảo pha loãng theo tỷ lệ 1/5 (1,22 mg/ml) và Retinoic acid (RA) cho thấy chỉ tạo cụm ngày thứ 2, ngày thứ 7 và ngày thứ 10 tế bào tách ra và biệt hoá. So sánh các marker OCT4 và SOX2 giữa nhóm tế bào RA và nhóm kết hợp RA với cao chiết cây Lược vàng và Bạch hoa xà thiệt thảo cho thấy có sự giảm biểu hiện OCT4 và SOX2 có ý nghĩa thống kê. Đặc tính cao chiết của bài thuốc cây Lược vàng và Bạch hoa xà thiệt thảo là sử dụng nồng độ pha loãng theo tỷ lệ 1/2 (3,04 mg/ml) đủ gây chết tế bào theo cơ chế apoptosis trên dòng tế bào ung thư vú MDA-MB 231. Nếu sử dụng nồng độ pha loãng theo tỷ lệ 1/5 (1,22 mg/ml) kết hợp với retionic acid đủ tác động đến sự biệt hóa tế bào ung thư kháng RA (tế bào SKN-DZ).
ctngoc
Tạp chí Y học TP.Hồ Chí Minh, tập 23, số 5/2019